Friday, May 2, 2014

HUẾ VÀ NHỮNG CƠN MƯA

Cuối tháng 6. Ở Sài gòn, nơi chốn thành đô tôi đang sống, là những ngày bắt đầu cho những cơn mưa. Mấy ngày qua mưa tầm tã, mưa suốt từ sáng đến tối, nói theo cách Huế của mẹ tôi, là “mưa thúi đất”. Hình như có một cơn bão đâu đó ngoài miền Trung. Saigon thường chỉ bị ảnh hưởng, bão không trực tiếp đến nhưng mưa tầm tã không dứt suốt một tuần. Những cơn mưa như thế này thường làm tôi nhớ đến mưa Huế, nhớ đến bóng người nặng trĩu với đôi gánh trên vai lầm lũi cô độc đi trong mưa gió ngang qua hoàng thành cũ xưa và đổ nát trong bức ảnh "Kỳ đài mùa đông" của nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ. Từ những ký ức của tuổi thơ tôi vọng về, mưa Huế, là những cơn mưa dai dẳng, mưa trên những mái ngói âm dương bạc màu, mưa trên thành quách cổ rong rêu, mưa thấm sâu trong lòng đất, mưa rả rích gợi nhớ rất nhiều về ngày hôm qua. 

Trên dòng Hương giang - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Hay đó chỉ bởi vì ngày hôm qua có một người bạn gái hàng xóm thời thơ ấu ghé thăm tôi trong chuyến cô đi công tác Sài gòn. Tôi quên mất rồi ngoài một điều mang máng nhớ là ngày đó chúng tôi vẫn thường đi học và chơi chung với nhau trong sân nhà, cô bạn bé bỏng có đôi mắt to đen và hàng mi rậm, vẻ mặt lém lỉnh. Chúng tôi nói với nhau về con đường trước nhà hai đứa có hai hàng cây sầu đông, mà một nhà văn gốc Huế, Nhã Ca, đã viết thành tập truyện "Mưa trên cây sầu đông" nói về một mối tình buồn của một cô gái xứ Huế  không dám vượt rào lễ giáo để đi tìm tự do cùng người yêu, tôi nghĩ nhà văn dùng tựa đề này có lẽ cũng vì ấn tượng về xứ Huế có rất nhiều cây sầu đông và mưa thì cứ mưa hoài. Những buổi sáng mùa đông, trời lạnh giá và sương mù trắng mờ lối đi, tôi và bạn nắm tay nhau lần dò trong sương mà đi, đứa nào cũng mặc 2, 3 cái áo, quần bên trong áo ấm khoác ngoài vẫn cứ rét run người nhưng thật thích thú. Rồi chúng tôi nói đến cái ao rau muống và cánh đồng phía sau nhà, vào mùa bão lớn, nước lụt dâng cao hơn nền nhà cả tấc, nước ngoài ao tràn vào sân mang theo nhiều cá rô đồng, các anh tôi tha hồ lấy nơm mà úp, trưa hôm ấy thế nào cũng có món cá rô chiên ăn với nước mắm tỏi ớt. Và ngôi nhà nên thơ mà gia đình tôi đã ở, vào mùa xuân chìm ngập trong vườn hoa đào, một loài hoa mà đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra tên đúng gốc Latin của nó, chỉ nghi ngờ nó thuộc họ đậu, hoa mọc từng chùm, có mùi hơi hăng nhưng nhìn xa rất đẹp và có màu hồng trắng xen kẽ, trông giống như hoa anh đào Nhật bản.  Cô bạn bảo rằng sau này người ta đã chặt hết vườn cây “anh đào” rồi và thay vào những loại cây ăn trái ( có ích hơn? ). Điều này làm chị em nhà tôi càng thêm luyến tiếc.
Chúng tôi đã nhắc lại nhiều kỷ niệm xưa, cô bạn còn nhớ nhiều hơn tôi, vì đã hơn 40 năm qua cô vẫn còn ở lại nơi chốn cũ, trong ngôi nhà xưa. Tôi kể cô bạn nghe lời một thầy giáo dạy văn học Việt nam trong một giờ giảng văn đã nói đến Huế:" Huế thơ, mộng và đẹp, nhưng Huế không thoát nổi những gì đã thuộc về tính cách của con người Việt nam. Đô thị vẫn luôn đậm nét nông thôn, nửa thành phố nửa thôn quê. Nhà nào cũng có vườn. Cuộc sống trì trệ. Con người chậm chạp. Điều đó đã xảy ra ở một thành phố đang trên đà phát triển vậy mà gần 3 thế kỷ nay dường như không có gì thay đổi. Nhưng có lẽ vì vậy, mà con gái Huế luôn .. thướt tha...". Chúng tôi cùng cười, vì không biết mình có còn "thướt tha" không khi cuộc sống  công nghiệp ngày nay buộc mình phải thay đổi.
Có lúc, trong những chiều mưa như thế này, tôi lại nhớ đến H., một cô bạn thuở nhỏ mà có lẽ tôi có phần may mắn hơn bạn vì cuộc sống của tôi diễn ra ở một môi trường khác, một hoàn cảnh khác. Còn H., cả cuộc đời bạn đã sống ở một thành phố đầy những hoài vọng về một chốn cung đình cổ kính và thành kiến khắc khe khó thể vượt nổi. Năm 1974, tôi về lại Huế xưa, khi đi thăm một vài người quen, bạn cũ trong đó có H. Hình ảnh tôi nhìn thấy hôm ấy và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi còn giữ được trong ký ức của mình về cô bạn thuở nào là nhìn thấy cô ngồi một mình, cô đơn trên những bậc thềm phủ đầy rêu phong trong căn nhà cổ. H đã không nhận ra tôi dù chỉ hơn mười năm không gặp. Trong khu vườn Huế đặc trưng, với những cây kiểng được chăm sóc kỹ lưỡng, những chậu quỳnh hương, hoa nhài tỏa hương thơm ngát, cô ngồi đó như một người không phải của thế giới mà cô đang sống, thật lặng lẽ và vô cảm đến nỗi tôi đã ngần ngại không dám đến gần vì sợ bạn xúc động. Lúc đó, có một cô bé gái, chạy loăng quăng trong vườn, tay xách một cái làn mây nhỏ đựng đầy hoa dại. Tôi đã sững sờ khi nhìn thấy con bé, nó chính là hình ảnh của bạn tôi lúc còn thơ mà tôi còn giữ trong ký ức ngày nào của mình, vẫn mái tóc đen cắt bom bê viền quanh khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt tròn như mắt chim non, thơ ngây và yếu đuối. Con bé chơi thẩn thơ một mình, lượn tới lượn lui giữa khu vườn, tung tăng một lát, nó chạy đến bên H., đặt bàn tay bé xíu lên chân H và gọi “Chị ơi!”. Nhưng H vẫn ngồi trơ trơ như một pho tượng, không đáp lại như chẳng hề nghe thấy. Tôi giật thót người,  phải chăng H đã mất trí?
Có ai đó đã kể lại câu chuyện đời H. Là tiểu thư của một gia đình tướng tá cao cấp ngày ấy, H và người lính hầu trong nhà đã thương yêu nhau. Con bé mà tôi nhìn thấy là kết quả của mối tình không môn đăng hộ đối ấy. Để sinh nó ra đời, cô và người lính đã trốn đi đến một tỉnh khác, sống trong một căn nhà chật hẹp nghèo nàn. Mẹ H đã đi tìm con, khi bà tìm ra, người lính đã quỳ xuống cầu xin bà tha thứ nhưng những giọt nước mắt của cả hai người đều không thể lay chuyển được định kiến. Người lính bị trừng phạt và mối tình phải cắt đứt. Đứa bé được đem về làm con nuôi của bà và người mẹ trở thành chị hai của nó. Đến bây giờ tôi vẫn thường day dứt tự hỏi không biết H và đứa con gái nhỏ ngày ấy nay đã trưởng thành bây giờ ra sao. Không biết H rồi có tỉnh lại sau giấc mơ tình đau khổ? Không biết cô bé kia có được gọi H bằng mẹ khi lớn lên? Và không biết, họ có thoát được khỏi những ràng buộc định kiến cũ xưa ấy? Hay rồi cũng chỉ dừng lại như đoạn kết đầy nước mắt của cô gái trong "Mưa trên cây sầu đông", là đau khổ từ chối mối tình đầu mà ở lại trong vườn nhà, chấp nhận cuộc sống tù hãm, một cuộc đời đã được định sẵn không thể thoát ra, phải theo phải sống như thế,vì nếu khác đi thì người thân còn lại sẽ chẳng thể sống nổi trước sự dè bỉu của dư luận. Ở Việt nam, tôi cho rằng có lẽ xứ Huế là nơi mà con người sợ dư luận hơn đâu hết.
Ngày ấy tôi thường theo mẹ đi lễ chùa. Trong trí tưởng của tôi, thành phố này có rất nhiều điều bí ẩn. Sau này lớn lên đọc sách tôi mới biết ở Huế là nơi có trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ, có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, chuông, khánh đồng, đá, cùng nhiều văn vật khác của Phật giáo từ các thời Lê, Trịnh, Nguyễn còn lại. Cũng đã có hơn hai trăm năm tồn tại Tổ đình Huyền Tôn được các chúa Nguyễn sắc tứ và đến nay hàng trăm ngôi chùa ở Huế vùng núi đồi mạn Nam sông Hương đều thuộc dòng kệ của sư tổ phái Thiền Lâm Tế Tử Dung-Liễu Quán. Có người lại nói rằng do ngày xưa các vua chúa triều Nguyễn đã có rất nhiều vợ và đông phi tần. Khi các ông vua qua đời, các bà hoàng phi, thê thiếp phải, hoặc tình nguyện xuống tóc đi tu, mỗi bà được xây cho một ngôi chùa, cái am, đó là lý do vì sao Huế là nơi có nhiều chùa chiền am tự nhất Việt Nam. Chị em chúng tôi từ lúc nhỏ cũng đã từng được làm lễ quy y bởi Hòa thượng Thích Đôn Hậu, một bậc cao tăng trụ trì tại chùa Thiên Mụ, ngôi chùa đẹp nhất và nổi tiếng nhất xứ Huế. Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam, đã bắt gặp ngọn đồi Hà Khê nhô lên bên dòng sông Hương nước trong xanh uốn khúc theo thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Dân địa phương lại kể rằng ban đêm thường có một bà lão xuất hiện nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”.. Chúa Nguyễn Hoàng nghe vậy lấy làm vui mừng, vào năm 1601 đã cho xây dựng chùa, đặt tên là “Thiên Mụ”.
Ngày ấy tôi cũng chứng kiến Huế có rất nhiều người điên. Anh học trò điên vì thi Tú tài hoài không đậu. Cô gái điên vì bị cấm cung suốt ngày ngồi trong phòng. Cô cứ lảm nhảm những điều vô cớ, ai hỏi đến thì cô nói là cô đang trò chuyện với người cô yêu, là Diêm vương! Cô bảo là cô đã có 2 con với Diêm vương nên mỗi ngày người nhà phải làm mâm cơm đem vào phòng với đầy đủ chén bát cho một gia đình. Người ta còn đồn khi đóng cửa lại, người nhà nghe tiếng trẻ con và tiếng cười đùa trong phòng. Tôi cũng nghe kể nhiều chuyện thần linh, ma quỷ. Có lẽ vì Huế có nhiều nơi xa xôi vắng vẻ, núi rừng bao la hoang vu và âm u quá?
Tôi cũng thường vào thành nội chơi. Ngày xưa nội thành là nơi chỉ dành cho vua quan sinh sống, làm việc, dân thường không được léo hánh đến. Từ cửa Ngọ Môn đi vào Điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng một thời các vua nhà Nguyễn khi lâm triều, đi qua những cửa ô sâu và tối, khi tôi cất tiếng gọi tên ai đó thì có tiếng vang trả lại, nghe rợn gáy! Tôi đã rất sợ lúc chiều đến đi qua các cửa thành âm u, kể cả lúc ngang qua “Cửu vị Thần công” là 9 "Ông” súng đại bác mà Vua Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây sơn đã cho đúc để làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Nghe rằng tuy mang tiếng “thần công” nhưng những cây súng này chỉ mang tính cách tượng trưng dùng để bảo vệ kinh thành như những vị thần linh, nhưng trong trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, những “ông súng” hẳn đã có một cuộc đời lừng lẫy như những chiến binh thực thụ. Và chao ơi sao mà xứ Huế đầy rẫy thần thoại và huyền bí đến thế.
Một trong những hình ảnh đẹp và thơ nhất của kinh thành Huế là những hồ sen. Ở đó, có Hồ Tịnh Tâm, vào mùa hạ tràn ngập hoa sen. Và hầu như có thể nhìn thấy sen khắp nơi. Mùa hè năm 1974 về Huế tôi  đến ở nhà một người bà con trong khu nội thành, cửa sổ phòng nhìn ra một hồ sen lớn. Buổi chiều sen chưa nở nhiều. Nhưng đêm ấy tôi đã được ngủ trong hương sen từ hồ thoảng vào tràn ngập và màu trăng vàng vọt len vào song cửa. Sáng thức dậy tôi như đang trong mơ khi  thấy sen đã tràn đầy ô cửa nhỏ,  cả một rừng sen nở rộ sau một đêm sương xuống nhiều. Những bông sen trắng tinh, điểm phơn phớt hồng trên đầu cánh, vươn lên từ đám bùn lầy thật kiêu hãnh và quý phái. Sương vẫn còn đọng long lanh trên những tàn lá rộng, đẹp như những hạt thủy tinh. Tôi chợt nhớ lại câu chuyện các vua chúa nhà Nguyễn thích uống trà sen và cách ướp trà thật cầu kỳ. Người ta đã bơi thuyền vào ao sen tìm cách bỏ vào mỗi búp sen một nhúm trà. Búp sen tẩm hương cho trà suốt đêm và buối sáng khi hoa sen nở, những người hầu đã lấy trà ra, đem phơi sương rồi pha với nước thật sôi dâng lên vua tách trà sen thơm nóng. Hứng thú quá, tôi đã rủ cậu em bà con chèo xuồng cho mình đi hái sen. Xuồng rẽ đám lá sen hơi khó khăn vì sen nở dày đặc cả hồ. Không quen ngồi xuồng, tôi bị lật nhào xuống ao khi vói hái một cành sen, ướt mèm nhưng vẫn cố tiếp tục đi hái những hoa sen to có gương sen lớn. Tôi bảo “Tối nay mình sẽ ăn chè hạt sen, ngồi bên ao sen, ngắm hoa sen, ngửi hương sen, nhấp chén trà sen… Thế mới là Huế!”.
Và có lẽ vì sống trong hoàn cảnh, môi trường, tâm tư ấy, người phụ nữ Huế muôn đời vẫn kín đáo, dịu dàng và luôn duyên dáng, chừng mực. Ai đi ngang qua trường Đồng Khánh ngày ấy lúc tan trường sẽ thấy những tà áo dài trắng thướt tha cùng mái tóc Huế dài muôn thuở. Chị bán bún bò, cô bán chè, bà lão bán hàng rong cùng khoác tấm áo dài cũ nâu. Màu "tím Huế” vẫn là màu chủ đạo trong y phục phụ nữ Huế. Cái gì cũng buồn buồn, nghiêm trang.
Rồi mưa vẫn giăng trên những nhánh cây sầu đông. Thành phố qua màn mưa thơ mộng, nhưng cũng rất buồn. Nó có thể là nỗi buồn tương tư, nỗi buồn về quá khứ, về những điều trì trệ khó thay đổi.
Những chuyến đò vẫn lặng lẽ đi qua sông Hương. Xa xa từ phía đồi Hà Khê, tiếng chuông chùa Thiên Mụ vẫn theo gió vọng về. Cầu Trường Tiền vẫn “sáu vài mười hai nhịp, thương nhau rồi xin kịp về mau”… Cồn Hến vẫn nổi tiếng với món cháo hến và chè bắp. Thôn Vỹ Dạ vẫn buồn buồn mời gọi “Sao anh không về thăm thôn Vỹ, Nhìn mấy hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc che ngang mặt chữ điền”… mà tôi thích nhất là bốn câu cuối “Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra, Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà”… Nàng thơ trong bài thơ của thi sĩ họ Hàn này là một cô giáo dạy nữ công lúc tôi còn học năm đệ thất ở Đồng Khánh. Dường như họ chưa hề gặp mặt nhau, nhưng bà đã yêu nhà thơ qua thơ và sống lặng lẽ như thế cho đến lúc mất …
Vậy đó, đã bao thế kỷ qua, dường như Huế vẫn không thay đổi, với cảnh vật đa tình, thơ mộng, với những mối tình thủy chung, những cơn mưa dai dẳng và những định kiến nghiệt ngã....
* NGUYỄN DIỆU TÂM


0 comments:

Post a Comment