Con đường đi xuống Bình Dương thường làm cho tôi cảm thấy thú vị vì
những hình ảnh nên thơ bất ngờ trên đường. Một chiếc xuồng lá neo bên
sông chở đầy hoa cúc vàng chiều cuối năm. Dòng sông khi thủy triều
xuống, nước cạn đến lòng đáy dãi đầm lầy mơ mơ màng màng.
Có khi là hình ảnh hàng hàng lớp lớp lục bình tím từ đâu trôi về ào ạt, đặc sệt và tím ngắt cả quãng sông. Có khi là cây gòn cổ thụ bên đường lá rụng cuối mùa, giăng đầy những trái gòn, bàng bạc những nhánh cây khô, và bên dưới gốc cây là những chậu hoa đỏ hoa vàng chờ bán Tết là điểm nhấn đẹp cho bức tranh đồng quê rất tự nhiên.
Có khi là hình ảnh hàng hàng lớp lớp lục bình tím từ đâu trôi về ào ạt, đặc sệt và tím ngắt cả quãng sông. Có khi là cây gòn cổ thụ bên đường lá rụng cuối mùa, giăng đầy những trái gòn, bàng bạc những nhánh cây khô, và bên dưới gốc cây là những chậu hoa đỏ hoa vàng chờ bán Tết là điểm nhấn đẹp cho bức tranh đồng quê rất tự nhiên.
Có khi là chiếc xe bò cà rịch cà tang chở đầy tre tầm vông đi ngang qua.
Có khi là tiếng vó ngựa buồn buồn gõ trên mặt đường buổi trưa hè đưa
người đi chợ xa về. Có khi là những hàng cây bằng lăng nở hoa tím ngát.
Có khi là khóm tre xao xác, tiếng chim sâu lích chích trong bụi dâm bụt,
một chú bướm màu tím chập chờn như trong giấc mơ câu chuyện về Hồ điệp.
Cuộc sống thật muôn màu…
Bên lề đường có ai đó đã hái những bông sen từ đầm sen dọc theo cánh đồng trải dài trên mặt đất. Tôi dừng xe lại, bước xuống nhặt một cành sen lên ngắm nghía và cố tìm người hái sen để hỏi mua nhưng không thấy ai. Chỉ nghe hàng tre xào xạc, tiếng con chim cu gáy đâu đó. Tôi nghĩ có lẽ là một người phụ nữ nào đó đang dầm mình dưới đầm sen. Và tôi ngồi chờ. Có tiếng vẹt đám lau sậy dưới đầm, tiếng chân dẫm thình thịch lên mặt đất giũ bớt sình. Tôi quay lại. Một ông lão đen đủi, gầy nhom, đánh trần và chỉ mặc chiếc quần cộc. Lão cười nhe hàm răng sún: “Mua sen đi cô” rồi liếng thoắng :”Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng, Nhụy vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…rồi “Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, Em được thì cho anh xin, Hay là em để làm tin trong nhà. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”… Mà cô có biết hoa sen dùng để cúng Phật không? Có biết hoa sen là hình ảnh được chạm khắc rất nhiều ở đền chùa không?” Rồi ông lại ngâm nga tiếp những bài thơ, ca dao về hoa sen, và khoe : “Tôi thuộc lòng tới hơn 200 bài thơ về hoa sen. Nhờ vậy mà tôi bán được sen dù chỉ đi vòng vòng trong làng”.. Hơi ngạc nhiên vì thấy ông lão thuộc nhiều bài thơ như vậy, tôi nghĩ bụng hôm khác sẽ nói chuyện nhiều hơn với ông và ghi chép lại hàng trăm bài thơ về hoa sen mà ông lão đã thuộc. Kho tàng văn hóa dân gian được phổ biến và lưu trữ trong tâm hồn, trí tuệ của dân gian từ những ông lão bình dị như thế đấy.
Tôi mua 20 cành sen, cột thành một bó bỏ trước giỏ xe, trả tiền rồi vội vã lên xe về thành phố vì sợ muộn. Chiều đã xuống. Mặt trời lặn gần xuống chân trời phía cánh đồng xa. Đàn chim sẻ vỗ cánh bay vút lên trời. Những con cò ăn đêm bắt đầu sục sạo trên đồng lúa. Con cò và hoa sen, vốn cũng là hình ảnh rất thân quen của đồng quê Việt Nam. Không lạ gì khi người nông dân mở mắt ra mỗi sáng đã thấy cánh đồng, lũy tre làng, cánh cò bay lả bay la và đầm sen nở rộ. Hèn chi mà các họa sĩ, nghệ nhân trong ngôi làng này nhắm mắt cũng vẽ được sen và cò, tre và cánh đồng, con trâu và mục đồng. Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ về ông lão, một người không thuộc giới “họa” nhưng chắc có khiếu về “thi”. Chắc hẳn ông đang sống trong một túp lều cỏ, nuôi một bà vợ già bệnh hoạn, hoặc sống cô độc tự nuôi thân mình bằng những bông sen mọc tự nhiên trong vô số đầm lầy quanh làng. Vậy mà ông vẫn vô tư, vẫn tự hào với kiến thức văn hóa dân gian của mình. Đọc thơ để bán hoa – quả thật là dễ thương.
Vài tuần sau, trong một lần lang thang tôi lại muốn tìm ông lão hái sen. Tôi cầm theo một chiếc áo dự định sẽ tặng cho ông. Đi qua đầm sen hôm nào tôi không nhìn thấy ông. Tôi lại nhớ đến nụ cười móm mém trên khuôn mặt đen đúa của ông lão, bàn tay gân guốc thoăn thoắt gộp những cành sen thành bó. Hỏi một vài người trong làng, họ bảo ông khùng, lúc ông ở chỗ này lúc ở chỗ kia, lúc nào cũng đọc thơ. Nghe nói ông cũng đã làm nhiều nghề để sống. Có lúc ông làm thợ cắt tóc. Đọc thơ để cắt tóc. Có lần ông say sưa đọc thơ, quên đi mình đã cạo trọc lóc đầu khách. Khách “yêu thơ” cũng say sưa nghe, không biết rằng đầu mình chẳng còn sợi tóc nào. Từ đó ông bỏ nghề cắt tóc.
Tôi về thử đi tìm trên mạng những bài ca dao về sen, không dễ chút nào để góp nhặt được hơn 20 bài, chứ đừng nói đến 200 bài.
Từ ca dao :
“Xuống đồng ngắt lá rau xanh,
Thấy chim loan phượng đỗ cành sen dâu.
Người ơi trở lại xơi trầu,
Tham nơi phú quý bỏ nhau sao đành.”
“Cổ tay em trắng như ngà,
Đôi mắt em liếc như là dao cau.
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.”
“Hoa sen mọc bãi cát lầm,
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.
Thài lài mọc ở ven sông,
Tuy rằng giống tốt vẫn tông thài lài.”
“Bấy lâu còn lạ chưa quen,
Hỏi hồ đã có hoa sen chưa hồ?
Hồ còn leo lẻo nước trong,
Bấy lâu chỉ dốc một lòng đợi sen!”
“Thân chị như cánh hoa sen,
Chúng em như bèo bọt chẳng chen được vào
Lạy trời cho cả mưa rào,
Cho sấm cho chớp, cho bão to gió lớn,
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên!”
“Sen xa hồ sen khô hồ cạn,
Lựu xa đào lựu ngả lựu nghiêng.
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,
Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.”
Tìm ca dao không thấy có nhiều ca dao về sen, nhưng thơ thì rất nhiều. Đầu tiên là bài thơ sen của Võ Quê :
“Bơi giữa mùa trăng em với sen,
Hương sen e ấp chút hương nguyền.
Lấp lánh trăng tình sen gợi nhớ
Sen hồng sen trắng … ấy sen duyên.”
Nguyên Sa :
“Vẫn biết lòng mình là hương cốm,
Chả biết tay ai làm lá sen.”
Tôi vẫn không nguôi ý định đi tìm ông lão lang thang người sở hữu 200 bài thơ sen, nhưng tôi không gặp lại ông nữa dù đã cố đi tìm. Tôi còn muốn mua 200 bài thơ về sen của ông, nhưng có lẽ ông đã không muốn bán!
* NGUYỄN DIỆU TÂM
0 comments:
Post a Comment