GIỮ MÃI NHỮNG GIẤC MƠ

Bước chân thời gian trải qua các thời đại giẫm nát công trình loài người,nhưng không xoá những giấc mơ...(Kahlil Gibran)

GIỮ MÃI NHỮNG GIẤC MƠ

Bước chân thời gian trải qua các thời đại giẫm nát công trình loài người,nhưng không xoá những giấc mơ...(Kahlil Gibran)

GIỮ MÃI NHỮNG GIẤC MƠ

Bước chân thời gian trải qua các thời đại giẫm nát công trình loài người,nhưng không xoá những giấc mơ...(Kahlil Gibran)

GIỮ MÃI NHỮNG GIẤC MƠ

Bước chân thời gian trải qua các thời đại giẫm nát công trình loài người,nhưng không xoá những giấc mơ...(Kahlil Gibran)

GIỮ MÃI NHỮNG GIẤC MƠ

Bước chân thời gian trải qua các thời đại giẫm nát công trình loài người,nhưng không xoá những giấc mơ...(Kahlil Gibran)

Thursday, May 22, 2014

TUỔI THƠ VÀ CHIẾC XE THỔ MỘ

1-
Mặt trời đã lên cao trên ngọn tre đầu làng. Lũ chim sâu lích chích nhảy nhót quanh ụ rơm nơi đàn bò đang nằm lim dim dưới bóng mát của cây đa to. Dưới ao, đàn vịt thong thả lội tới lội lui, có con lên bờ rỉa cánh rồi nằm bẹp xuống ngó trời ngó đất.
Dĩnh đang nằm thiu thiu ngủ bên bãi cỏ cạnh bờ ao. Một con ong từ đám hoa dâm bụt bay tới, vo ve quanh mặt. Dĩnh bực mình quơ tay đập mấy lần nhưng không trúng con ong. Nó lầm bầm trong miệng chửi con ong phá đám rồi quay lưng định ngủ nữa.
Một bàn tay bé nhỏ rụt rè sờ vào mạn sườn của Dĩnh. Có tiếng nói thỏ thẻ: "Anh Dĩnh ơi! Ngủ hả?" Dĩnh giật bắn người xoay mình lại. Dụi mắt. Một con bé mặt mày thất thần đang ngồi chồm hổm bên cạnh Dĩnh.
"Ủa Mén, đi đâu vậy?" Dĩnh vừa dụi mắt vừa hỏi. Con bé có vẻ sợ hãi, níu tay Dĩnh thì thầm:
- Anh biết chiện gì chưa?
- Chưa, chuyện gì?
- Anh Ốc chết rồi!
Dĩnh giật bắn người: "Sao vậy?"
- Em hổng biết, em đi ngang qua nhà ảnh, thấy đông người lắm. Má ảnh khóc om sòm! Em nghe người ta nói ảnh chết hồi hôm qua.
Dĩnh bàng hoàng. Trời, thằng Ốc! Chiều hôm qua ra đồng nó còn nhảy xuống ao với mình lùa vịt dùm mà. Chuyện gì đã xảy ra với nó? Hay là đám thằng Lì chuyên phá làng phá xóm trong xóm Gò Mả kiếm chuyện? Gần đây Dĩnh thường nghe Ốc và Lì hay gây lộn với nhau. Hình như Ốc có mượn tiền Lì chơi số đề, rồi thua không có tiền trả. Tuần trước Dĩnh nghe Lì hăm "Tao sẽ giết nó!"
Dĩnh lật đật đứng dậy, phủi đất sình dính tèm lem trên hai ống quần đùi, sau mông.
- Anh phải chạy qua nhà nó coi sao. Em coi chừng dùm anh bầy vịt được không? Một chút thôi, anh dìa liền!
Bỏ Mén lại một mình với bầy vịt, Dĩnh chạy băng băng theo đường tắt qua xóm Gò Mả. Giữa những ngôi mộ đất chen lẫn mộ đá ong cổ, Dĩnh thoăn thoắt chạy. Trưa nắng gắt, mồ hôi nhỏ ròng ròng ướt đẫm cái áo lá, Dĩnh vẫn chạy, đầu bưng bưng hàng loạt câu hỏi: Trời ơi Ốc ơi, chuyện gì vậy hả Ốc? Tao mong sao chuyện con Mén nói là trật!
Kia rồi nhà Ốc. Đang có nhiều người bu lại. Tiếng khóc thảm thiết của mẹ nó từ trong nhà vang ra khá rõ. Dĩnh đứng sững lại. Dưới mái hiên, một sợi dây thòng lọng còn nằm đong đưa.
Dĩnh thẫn thờ quay đi. Lại cắm đầu chạy về lại ao nước trũng, nơi có bầy vịt, đàn bò và con Mén bé nhỏ đang chờ.
Mén ngước đôi mắt to đen nhìn Dĩnh. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt Dĩnh. Mặn như nước mắt. Vẻ mặt của Dĩnh làm Mén không dám hỏi lời nào. Dĩnh ngồi thụp xuống, khóc hu hu:
- Ốc ơi, tao còn nợ mày tiền mua thuốc cho ba. Ba bệnh nặng hổm rày, không đánh xe đi chở mướn được, còn con ngựa nằm khèo trong chuồng mấy ngày rày. Tao định tháng tới xin vô làm sơn mài cho nhà ông Tư, có tiền  tao sẽ trả cho mày. Mày chết rồi, tao trả cho ai. Tao nợ mày Ốc ơi! Ốc ơi, sao mày chết làm gì?
- Anh Dĩnh à, anh đừng khóc nữa! Anh khóc làm em sợ quá!
Mén vừa nói vừa đưa bàn tay bé nhỏ chùi lên mặt Dĩnh. Nức nở một hồi lâu, Dĩnh đứng bật dậy, đưa tay quẹt nước mắt:
- Anh phải đi kiếm thằng Lì hỏi cho ra lẽ! Em chịu khó ngồi chờ anh chút nghen Mén!
Dĩnh lại băng mình chạy đi. Nhà thằng Lì khá xa, tận Ngã Ba Cây me. Nắng trưa càng lúc càng gắt, Dĩnh vẫn chạy chân đất trên con đường làng. Đến nhà Lì, thấy ông già nó đang ngồi trên chõng tre nhìn ra đường. Chung quanh là những tấm ván sơn mài đang làm dang dở. Ông già thằng Lì chuyên làm tranh sơn mài cẩn ốc. "Thợ chính là hai thằng con trai mà khi vui chúng làm khi buồn thì chúng ... bay!" Ông hay nói vậy. Thấy Dĩnh, ông xua tay:
- Nó đi đâu từ sáng giờ, có ở nhà đâu mậy!
Dĩnh lại hộc tốc chạy trở về. Mén đã nằm dài trên bãi cỏ, thiu thiu ngủ. Mái tóc dài đến vai xõa quanh khuôn mặt bầu bĩnh. Bên cạnh cô bé có một cành hoa sen, có lẽ Mén đã lội xuống ao hái. Bỗng dưng lòng Dĩnh thấy dịu lại. Nỗi buồn mất bạn vẫn còn đau nhoi nhói trong tim, nhưng hình ảnh thơ ngây của Mén lại đem đến cho Dĩnh một cảm giác trìu mến khó tả. Dĩnh lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh Mén, sợ làm Mén thức giấc. Buổi trưa vẫn yên tĩnh, chỉ có tiếng chim ríu rít trên cành, xa xa vọng lại tiếng vó ngựa xe thổ mộ đưa người đi chợ về.

2-
Sáng sớm, trên con đường làng lũ lượt người ra đồng, kẻ đến chợ. Nằm ngay góc ngã ba đường, chợ xổm chỉ ồn ào từ sáng cho đến trưa, còn lại buổi chiều vắng ngắt. Tuy nhiên ra chợ hình như thứ gì cũng có, từ giày dép, áo quần, những hàng quán, gánh bánh canh, bánh xèo, đến trái cây Lái Thiêu chở về như dâu, chôm chôm, mít...
Lúc trước, đây là công việc của mẹ. Cái gánh xôi giúp mẹ nuôi hai chị em Mén lớn. Nay mẹ hay bệnh, Mén thay mẹ đi bán. Đứa em trai còn nhỏ đi chăn vịt cho người ta. Ở đầu làng có một quán cháo vịt. Chủ quán nuôi vịt lấy thịt, lông vịt đem bán ký cho người ta làm chăn. Quán bán càng đắt khách, số vịt càng nhiều, em chăn càng cực.
Hôm nay đông khách mua xôi quá, Mén gói không kịp. Hai bàn tay cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt, xúc hai muổng xôi bỏ vào giữa miếng lá chuối, gói lại hai đầu, tay đưa gói xôi, tay nhận tiền, thối tiền, cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt.
- Cho chú 1 gói xôi trắng đi con!
- Lè lẹ lên con, cho dì 2 gói đậu đen, 1 đậu xanh!
Mén vừa gói xôi vừa liên tục trả lời, miệng cười cám ơn khi nhận tiền. Túi bụi quá, mồ hôi rướm trên trán Mén. Hai cái lúm đồng tiền trên đôi má thiếu nữ như tăng thêm nét duyên cho gói xôi lá chuối.
Một bàn tay đàn ông thò vào chụp lấy gói xôi trên tay Mén, miệng nhanh nhẩu:
- Xôi đây chú! Xôi đây dì! Xôi đê ê ê ....
Mén ngoắt người nhìn lên. À anh Hai Bự. Anh có hàng giày dép bên cạnh. Có người đỡ đần lúc đông khách thật là tốt! Mén nhoẻn miệng cười:
- Cám ơn anh Hai nghen. Bộ sáng nay quỡn dữ ha anh?
- Ừa, sáng giờ hổng có ai mua một chiếc dép nữa! Thấy em lu bu quá, anh giúp một tay được hôn?
- Được chớ, mà em hổng có tiền trả công đâu à nghen!
- Anh đâu cần em trả công, chỉ cần lúc quỡn quỡn em ngó qua dùm hàng giày dép của anh một chút. Rồi ..."anh sẽ trả công, Mai mốt lấy chồng anh lại giúp cho, Giúp em một thúng xôi vò, Một con lợn béo một vò rượu tăm. Giúp cho đôi chiếu em nằm, Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo. Giúp em quan tám tiền cheo" ....
- Thôi thôi đừng hát nữa mà! Anh ỷ ba anh thuộc nhiều bài ca dao nên anh học lóm như vậy rồi anh "lòe" em phải hôn?
Hai Bự cười lớn. Đột nhiên tiếng cười tắt. Mặt anh ta xịu xuống. Tiếng vó ngựa dừng lại bên gánh xôi của Mén.
- Dìa chưa Mén, lên đây anh chở dìa!
Mén ngẩng đầu lên, nhoẻn miệng cười. Dĩnh ngồi trước xe thổ mộ, tay cầm chiếc roi.
- Dạ, chờ em chút. Em dọn hàng đã nghen anh!
Gánh xôi bán đã hết, thoắt một cái Mén đã leo tọt vào lòng xe, ngồi sát vào phía lưng Dĩnh. Chiếc xe thổ mộ lóc cóc chạy đi. Hai Bự nhìn theo, ánh mắt thoáng chút ghen tị. Vừa đánh xe, Dĩnh vừa hỏi chuyện:
- Má em sao rồi?
- Hổm rày bả bịnh nặng hung nữa anh à! Thầy lang Kẹ cho uống thuốc mà sao hổng hết. Dì Hai nói em đem má lên Lái Thiêu khám thầy Năm coi sao. Mà xa quá, em hổng biết đi cách nào.
- Em cứ coi ngày nào đi, anh đánh xe đến chở em đi!
- Thôi anh à. Em tính đi bộ!
- Trời, xa lắm, em đi bộ sao nổi hả Mén?
- Đi riết rồi cũng tới. Em định đi lúc 4 giờ sáng.  Chừng 7, 8 giờ cũng tới mà anh! Chỉ không biết má đi nổi với em không!
- Không được. Chừng nào đi cho anh biết. Anh chở em với má đi!
Mén nhìn xuống hai bàn tay của mình đang xoắn vào nhau, nói nhỏ:
- Dạ. Để em hỏi má chừng nào đi được.
Từ ngày cha mất, Dĩnh thừa hưởng chiếc xe thổ mộ của cha để kiếm sống. Năm Dĩnh học lớp ba trường tiểu học đầu làng, cha thường đánh xe đưa Dĩnh đi và đón về. Thỉnh thoảng Mén bên hàng xóm chạy theo xin cho đi theo đón anh Dĩnh, cha Dĩnh cũng cho đi, nên chiếc xe này rất thân quen.  Sáng nào Dĩnh cũng ra khỏi nhà rất sớm, đi đón một loạt mấy bà đi chợ Bình Dương, có khi đến tận chợ Búng ở Lái Thiêu rồi chờ đưa về. Mỗi lần thấy anh ngồi vắt vẻo trên xe, miệng phì phèo điếu thuốc, tay cầm roi, Mén nói coi anh oai quá! Mà oai cái nỗi gì Mén ơi, anh vẫn nghèo, làm sao có tiền lấy vợ! Đó là những lời thì thầm tận trong lòng anh chứ anh chưa bao giờ dám ngỏ lời cùng Mén. Đôi lúc nhìn trăng, Dĩnh kêu thầm: Mén ơi, năm nay em vừa đúng tuổi trăng tròn!

3-
Nửa đêm, tiếng bom dội ầm ầm từ xa vọng đến làm Mén giật mình thức giấc. Kéo liếp cửa, Mén rón rén bước ra ngoài sân vì sợ làm động giấc ngủ của mẹ. Đêm không có trăng, nhưng những ánh sáng hỏa châu soi sáng vùng trời phía Củ Chi làm cô thấy rõ những cành mận đang oằn xuống trong vườn nhà. Cành tre kêu kẽo kẹt mỗi lần có gió. Mén ngồi bệt xuống thềm. Tự dưng thấy nhớ Dĩnh.
Cũng một năm rồi Mén không gặp Dĩnh. Chiến tranh đã đến, trong cái làng bình yên này đã có nhiều đổi thay. Dĩnh theo đám trai làng gia nhập quân ngũ. Đi đâu, Mén không biết. Nghe nói anh đi tận Lộc Ninh hay xa hơn.  Ngày anh đi, lần đầu tiên anh cầm tay Mén nói lời từ giã. Không hiểu sao Mén đã rụt tay lại rất vội vàng. Lúc anh đi rồi, cô mới thấy tiếc, nghĩ thầm ... Phải chi, mình cho anh ấy nắm thêm chút nữa...
Mén cảm thấy buồn. Không rõ buồn chuyện gì. Chỉ thấy buồn. Mén hay ra đình làng cầu khấn cho Dĩnh bình yên vì thỉnh thoảng nghe có người trong xóm đi nhận xác con trai đi lính tử trận. Đình làng này thờ Ông Phan Thanh Giản, rất linh thiêng. Trước sân đình có nhiều cây to, lá rụng đầy sân, Mén hay giúp ông từ quét lá. Vừa quét Mén hay nghĩ miên man, không biết bao giờ Dĩnh sẽ về.
Bên Bến Thế, có ngôi đình to hơn, nghe nói cũ lắm, cũng khoảng gần 200 năm, linh thiêng hơn, thờ Ông Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành đời nhà Nguyễn. Có lần bom đạn rơi ầm ầm xuống khắp làng không biết ngã nào mà chạy, người dân các xã đã rủ nhau chạy qua đó trốn. Sau đó mới thấy bom đạn chỉ rơi phía ngoài, có một quả lựu đạn văng vào nhưng lại bị tịt ngòi, bên trong mọi người đều an toàn. Trong sân đình cũng có nhiều cây cổ thụ, có cây gốc to hai người ôm không xuể, rễ mọc ngoằn nghèo dài đến chục mét bò trườn đến cửa. Trên cổng đình trăm năm trước có con chim nhả hạt, hạt mọc thành cây, riết rồi cây đa lớn nằm nghênh ngang trên nóc, rễ bò qua tường gạch chui xuống dưới đất. Thỉnh thoảng có gánh hát về làng diễn hát bội, sân đình là nơi chứa được cả làng. Lúc nhỏ, Dĩnh hay rủ Mén chạy qua bên ấy xem hát bội. Tiếng trống đình thì thùng xa xa bao giờ cũng làm cho đám trẻ con náo nức. Có lần Dĩnh nói anh cũng thích theo hát tuồng, không chừng có ngày  trốn nhà theo đoàn hát, nhưng nghĩ thương cha chỉ có một mình, anh lại không nỡ.
Mén tự nhủ, ngày mai sẽ mua ít hoa quả qua đó cúng, vái cho Dĩnh trở về bình yên.

4-
Buổi nhóm chợ sáng đã tan. Mén thu dọn hàng chuẩn bị về. Bây giờ cô không còn bán xôi mà đã có cả một gian hàng giày dép trong lồng chợ. Hai Bự chờ cô trước chợ trên chiếc mô bi lết. Lấy nhau đã 3 mặt con, mà ngày nào anh cũng chăm chỉ đưa đón cô. Tánh tình anh ta kể ra cũng tốt, chỉ phải tội nhậu nhiều quá, chiều nào cũng nhậu. Từ lúc lấy vợ, anh được cha giao cai quản đám thợ làm sơn mài, nên gian hàng giày dép anh chuyển qua cho vợ bán. Mén mát tay hơn anh nên việc buôn bán càng lúc càng lên. Còn sống trong cái làng này thì cũng chỉ loanh quanh một số nghề, không làm thợ mộc thì làm thợ sơn mài, làm gốm sứ, thợ xây... Có cả con đường tên Lò Lu, nơi đó có một hãng sản xuất lu đất rất lớn, nuôi gần trăm thợ. Cha anh vốn làm nghề sơn mài từ nhỏ, khi đó ông nội chuyên vẽ kiếng cho các xe người Tàu bán mì hoành thánh, hủ tíu ở chợ Bình Dương. Cha anh khéo tay, biết cẩn ốc, biết làm sơn, dần dần được nhiều người từ Sài gòn xuống đặt hàng, làm nhiều nhất là sa lông, tủ, bàn ...
Chiến tranh đã qua, giờ đang là lúc có vẻ bình yên. Nhưng nhiều thay đổi quá trong làng. Người ta bỏ xứ mà đi cũng nhiều, vì cái làng nhỏ này đã nghèo càng nghèo hơn. Riêng Mén may mắn lấy được chồng giàu, lại có công việc ổn định. Hai Bự có hơi bự con một chút, nhưng vì nhà giàu nên con gái trong làng cũng mê lắm. Chuyện cua được Mén với anh không khó, vì tên địch thủ đáng gờm nhất đã đi đâu biệt xứ từ hồi hắn đi lính tới giờ. Nay có con cái, bận rộn chuyện mua bán, chắc Mén cũng đã quên béng tên Dĩnh ấy rồi.
Mà không, Mén vẫn không quên. Đàn ông làm sao hiểu được nỗi lòng của phụ nữ chứ! Những đêm có trăng Mén vẫn hay nhìn lên trời. Đôi lúc thầm gọi: Dĩnh ơi, anh đang ở đâu? Ngồi trên chiếc xe mô bi lết của chồng, thỉnh thoảng cô bỗng thấy nhớ quay quắt mùi mồ hôi từ lưng áo Dĩnh tạt vào mặt khi cô ngồi trong xe thổ mộ của anh. Nhớ tiếng roi đét. Tiếng vó ngựa lóc cóc trên đường, buồn thiu...
Mén nhớ cái ao sen tuổi nhỏ, nhớ Dĩnh lội xuống ao hái sen khi chui lên khỏi đầm sen người ngợm dính đầy bùn nhưng cành sen vẫn trắng tinh nhờ Dĩnh cố đưa cao lên khỏi đầu, miệng cười toe toét: "Mén ơi, anh có hoa tặng em nè!" Có khi Dĩnh bắt được một con chim sẻ nâu bỏ vào tay cô. Có khi là một con bướm vàng. Nhưng rồi Mén thả chim và bướm bay đi hết: "Bắt nó làm gì, tội anh à!" Lúc Dĩnh đã có thể tự đánh xe ngựa đi lòng vòng sau giờ làm việc của cha, Dĩnh xuống đầm sen hái thật nhiều sen rồi chất lên xe, Mén ngồi giữa đống hoa sen đó: "Đi đâu vậy anh?" Dĩnh trả lời: "Đi bán sen! Anh phải kiếm tiền để nuôi em chứ! Anh sẽ mua cho em một cái kiềng vàng giống mấy cô đào hát bội đeo ở cổ đó, đẹp lắm!" Mén cười khúc khích: "Chớ hổng phải anh theo đoàn hát bội, em thấy có nhiều tiền hơn đó à!" Nghe vậy, đột nhiên Dĩnh quay lại: "Mén à, nếu anh bỏ nhà đi theo hát bội, em có đi theo anh không?" Mén hốt hoảng: "Trời đất! Má em hổng có cho đi đâu!"
Nhớ và nhớ, đôi mắt Mén bỗng rưng rưng. Đã đến nhà, Hai Bự dừng xe, quay lại: "Ủa mắt em sao đỏ quạch vậy Mén?" Mén quay lưng vội vã đi vào nhà, vừa nói: "À không, bụi đường đó thôi. Vô ăn cơm đi anh, em đói rồi!"

5-
Hôm nay trên đường từ chợ về nhà, lòng Mén bỗng cảm thấy bồi hồi khó tả. Ăn uống cơm nước xong, cô đi ra đình Bến Thế cúng. Hôm nay rằm nên người trong làng đến lễ đình đông hơn mọi ngày. Lại có cả một đoàn quay phim đang dựng cảnh ở cổng đình nơi có cây đa mọc trên nóc. Trong đám đông đang chen nhau xem cảnh quay phim, cô bỗng có cảm giác gai gai phía sau lưng. Quay lại, thoáng thấy một đôi mắt, rồi đôi mắt ấy biến mất. Mén thắp nhang cúng xong thì đi về. Trên đường, cô cứ cảm thấy có điều gì rất lạ. Sao đôi mắt ấy cô thấy quen quá.
Mén rẽ vào con đường về nhà mẹ. Lúc này những con đường làng được mở rộng, lên nhựa. Nhà trong làng cũng xây dựng mới mẻ khang trang hơn. Cái ao trũng ngày nào đã bị lấp đất và người ta đã xây nhà lên. Thằng em cũng đã có vợ con nên nay mẹ sống cùng em. Thỉnh thoảng Mén ghé thăm mẹ. Ngồi với mẹ trên phảng, bóp tay bóp chân cho mẹ một hồi, đột nhiên mẹ nói: "Mén à, thằng Dĩnh nó về rồi đó con!" Mén giật bắn người. Lâu lắm rồi cô không nghe đến tên Dĩnh, nay nghe lại cô bỗng thấy như lùng bùng lỗ tai. Thở ra một hơi dài như để lấy can đảm, Mén hỏi nhỏ:
- Sao hả má, anh Dĩnh về? Trời, 30 năm rồi má nhỉ?
- Ừ, nó đi từ hồi đó đến giờ. Nghe nói có vợ con bên đó rồi!
- Thì lâu quá rồi mà má. Giờ về ảnh ở đâu?
- Cô Tư nói nó ở ngoài Bình Dương. Nhà bây giờ cũ nát quá, đâu có ai ở, cô Tư lấy làm cái kho chứa đồ bỏ. Nay thằng Dĩnh nói nó sẽ đập hết xây lại nhà mới rồi về đây ở dưỡng già.
- Cái xe thổ mộ của ảnh còn không má?
- Thì vẫn còn, thằng Phan con cô Tư nó lấy chạy chở hàng. Giờ này khách đi xe honda ôm, xe buýt, ai mà thèm đi cái xe thổ mộ đó!
Mén không nói gì, cô chào mẹ đi về. Trên đường lại nghĩ đến câu mẹ nói "Giờ này khách đi xe honda ôm, xe buýt, ai mà thèm đi cái xe thổ mộ đó!" Mén bỗng thấy đau thắt trong lòng: "Má ơi, có con thèm. Con chỉ ước gì ... trước khi chết con được một lần nữa đi trên cái xe thổ mộ đó!" Lại cay cay mắt, tự dưng Mén ngồi thụp xuống đất khóc òa như một đứa trẻ. Nỗi nhớ quay quắt một thứ mà người ta yêu quý từ lúc còn thơ nhiều khi rất lạ. Thèm như thể người đang đói đang khát, mà không phải cồn cào bụng, cứ nhói nhói tim, cứ đau đau trong lòng.
Khóc đã đời một lúc, Mén mới thấy đỡ hơn. Cô đứng dậy, lấy khăn mù xoa lau mặt rồi tiếp tục đi. Lạ chưa, không phải về nhà, mà cô lại rẽ qua phía ngôi nhà cũ của Dĩnh. Lại thấy bồi hồi. Mén đứng nấp sau lùm cây nhìn vào nhà anh. Vẫn ngôi nhà 3 gian đó. Chung quanh có mấy cái ao nhỏ trồng rau muống. Bướm vàng chấp chới bay trên hàng hoa dâm bụt đỏ. Cô đứng như trời trồng. Kỷ niệm thơ ấu lại hiện về. Cô thấy con bé Mén ngày nào đang chạy loanh quanh bên hàng rào dâm bụt. Và Dĩnh đang vói tay bắt bướm bỏ vào tay cô.
Có tiếng chân người từ phía sau ngôi nhà cũ bước ra. Mén bàng hoàng. Là anh!
Hai người cùng ngồi xuống trên mảnh gỗ lót sàn bên cầu ao. Dĩnh trông khác xưa nhiều, rắn rỏi hơn, phong trần hơn, và cũng già đi nhiều. Tóc anh đã lốm đốm nhiều sợi bạc. Không ai nói với ai lời nào. Mén phải bắt đầu:
- Sao anh đi lâu quá không về? Từ hồi anh đi lính ...
- Anh nghe tin em lấy chồng. Thôi cũng chẳng về làm gì. Tháng 4 năm ấy anh theo tàu đi luôn qua đảo.
- Vợ con thế nào rồi anh?
- 10 năm sau anh lấy vợ. Cũng như em, 2 con của anh nay lớn bộn rồi.
- Giờ anh về chơi hay về luôn?
- Anh muốn về luôn, nhưng cần phải chuẩn bị nhiều thứ. Anh định xây lại cái nhà trước đã.
Rồi ngập ngừng một lát, anh tiếp:
- Ở bển nhiều khi anh nhớ xóm làng, nhớ chiếc xe thổ mộ, nhớ thằng Ốc, nhớ em ... chịu không nổi!
Mén im lặng không nói gì. Cổ họng cô như nghẹn lại. Bầy chuồn chuồn ở đâu bỗng kéo đến bay là đà. Mén nói bâng quơ:
- Chắc ngày mai mưa.
- Ừ, “chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” phải không em?
Lại im lặng. Có tiếng vó ngựa gõ lọc cọc trên đường rồi dừng hẳn lại trước ngõ. Dĩnh và Mén cùng nhìn ra, mắt sáng lên. Người đánh xe nhảy xuống, định cột con ngựa vào kế thân cây. Dĩnh bật đứng dậy:
- Để đó Phan, cho anh mượn một chút!
Anh chàng đánh xe trợn mắt:
- Anh định làm gì? Đánh xe đi hả? Con ngựa này nó không chịu người lạ đâu.
Dĩnh cười:
- Qua Mỹ, anh ở xứ cao bồi mà! Anh vẫn thích ngựa nên thường xuyên cưỡi ngựa lắm. Cứ để thử cho anh chạy một vòng xem sao.
Dĩnh nói với Mén:
- Lên xe đi Mén! Anh chở em đi một vòng!
Khi Mén leo lên xe rồi, Dĩnh nhảy tót lên phía trước cầm cương. Con ngựa hí lên một hồi, nhưng khi anh đét roi vào mông nó một cái thì nó bắt đầu phi. Chiếc xe chạy ra đường nhựa lớn, ngựa phi càng nhanh hơn. Ngồi phía sau, Mén lại nghe mùi mồ hôi của Dĩnh tạt vào mặt. Trong gió, có cả mùi đồng cỏ và hương hoa sen ngày nào...

Tháng 6, 2012
NGUYỄN DIỆU TÂM

Trong sân đình làng Tân An - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Sân đình có những cây cổ thụ hơn 200 năm - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Đình làng Tân An, Bình Dương - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm


TIỂU THƯ

Buổi sáng cuối tuần, còn đang ngái ngủ, tôi nhận được tin nhắn của Rod, một trong những người khách hàng lâu năm: "Tôi vừa đến Việt Nam. Đây là số di động mới của tôi. Hãy liên lạc với tôi qua số này. Rất mong được gặp cô lúc 10 g sáng ở Highland Coffee, phía sau Opera House."
Vẫn như bao nhiêu lần trước mỗi khi Rod qua Việt Nam, thường là vài lần hoặc ít nhất cũng một lần mỗi năm, lần nào qua đến thành phố ông ta cũng liên lạc với tôi ngay lúc vừa đến nơi và hẹn đi ăn trưa. Là một khách hàng từ Canada lâu năm nhất của tôi, quen biết nhau đã lâu, làm ăn với nhau cũng đã lâu, nhưng lạ một điều là tôi cảm thấy mình luôn cảnh giác với ông ta. Khác rất nhiều với những khách hàng khác, ông ta luôn có những thái độ đối xử bất nhất với những người có quan hệ với ông ta trong công việc, khi thì thân thiện, tốt bụng hòa nhã rộng rãi và không kém phần từ bi, khi thì lạnh lùng hiểm ác, keo kiệt bủn xỉn. Nhiều lần thấy ông mặc cả tiền xe với người tài xế taxi, hoặc buộc nhà hàng phải trả lại tiền thừa chưa đến 700 đồng, tôi cảm thấy xấu hổ. Ông luôn giải thích: Với tôi, mọi chuyện phải rõ ràng. Tôi không muốn bị ai lừa mình, dù chỉ một xu!

Tôi gặp ông khoảng 10 năm trước, lúc ông đến Việt Nam lần đầu tiên tìm nguồn hàng mua bán. Tôi cũng giới thiệu cho ông một số nhà cung cấp, trong đó có Tuân, chủ một nhà in. Ông rất quý Tuân. Khi nghe tin Tuân mất đột ngột vì tai nạn, ông đã khóc lúc đọc những dòng email tôi gửi báo tin. Lần qua Việt Nam vài tháng sau, ông rủ tôi đi thăm mộ Tuân, cách xa thành phố chừng 30 km. Ông đưa tay phủi những chiếc lá khô rơi trên mộ Tuân, rồi đứng lặng người rất lâu. Trên đường về ông nói với tôi: - Làm ơn tìm cho tôi một người săn sóc mộ Tuân. Tôi sẽ trả tiền để người ấy ngày nào cũng ra đây quét dọn cho mộ Tuân sạch sẽ và chăm sóc những bông hoa.
Ông thuê Hoàng, một người phiên dịch tiếng Anh để giúp ông trong công việc rồi cùng người này đi khắp miền Trung và Bắc tìm nguồn hàng, từ cà phê, trà, gỗ, sắt thép gì cũng làm. Hoàng kể: "Ông ta thật là siêng năng và dẻo dai, với thân hình đồ sộ hàng trăm ký lô thế kia, ông đi rất nhiều, hang cùng ngõ hẹp đều tìm đến, leo lên những ngọn đồi cao miền Bắc thoăn thoắt để mua trà, cà phê, tôi còn chạy theo không lại, chỉ sợ ông ấy to béo quá, có thể bị đứt mạch máu thì khổ!"

Tôi đến Highland trễ khoảng nửa tiếng vì trên đường kẹt xe do mưa quá lớn. Rod ngồi bàn phía ngoài, gần hàng rào gỗ sơn màu trắng có những chậu hoa màu đỏ.
Tôi gọi một miếng bánh Tiramisu và một tách trà nóng. Vẫn như bao giờ, Rod nói hơi nhiều về chuyện gia đình, chuyện kinh doanh, chuyện thời sự quốc tế ... và tôi chỉ việc ngồi nghe. Quán cà phê càng lúc càng đông khách vì trời lại bắt đầu đổ mưa. Lại một cơn bão về.
- Cô còn nhớ con bé "Tiểu thư" chứ?
Đang im lặng nhìn ra ngoài trời đang mưa, tôi giật mình quay lại.
- Có, tôi nhớ.
- Tôi có hẹn với cô bé trưa nay.
- Sao lần trước tôi nghe ông kể cô bé đã đi Mỹ rồi mà?
- Phải, cô bé ấy được một đôi vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi và bảo lãnh đi cách đây 8 năm.
- Thời gian qua nhanh thật! Vậy bây giờ vì sao "Tiểu thư" lại đang ở Sài Gòn?
- Trước đây, mùa hè nào nó cũng về Việt Nam mà không đi đâu nơi khác dù cha mẹ nuôi sẵn lòng cho nó đi holiday ở nhiều nơi. Khi vừa hoàn tất trung học, nó xin cha mẹ nuôi cho về Việt Nam học tiếp chương trình đại học. Họ đồng ý.
- Thật là lạ! Tại sao cô bé không học đại học bên Mỹ cho có tương lai hơn?
- Vấn đề là cô bé không thể rời xa gia đình. Nó là một đứa con gái tốt, rất thương yêu gia đình của mình.
Mưa càng lúc càng lớn, vì ngồi ngay ở phía ngoài nên mưa tạt vào phía bàn chúng tôi. Rod bảo tôi dời chỗ vào bên trong, nơi có cửa kín và không ai hút thuốc lá nhưng tôi vẫn thích ngồi bên ngoài. Những quán cà phê ngay trung tâm thành phố bây giờ thường có khoảng sân cho khách ngồi nhìn ngắm phố phường, người, xe qua lại vui mắt. Tôi nhìn ra đường, bên phải là khách sạn Caravelle, bên trái là khách sạn Park Hyatt, Continental và con đường chạy qua Nhà hát lớn thành phố là đường Catinat thời Pháp thuộc, mang tên đường Tự Do trước năm 1975 và bây giờ là Đồng Khởi. Vào thời kỳ nào thì con đường này cũng là một trong những con đường "vàng" của thành phố.

Vào thời khách du lịch đổ vào Việt Nam từ những năm 80, vì con đường này là một trong những trung tâm của những cửa tiệm, khách sạn, nhà hàng sang trọng nhất nên lúc nào du khách cũng đông. Du khách càng đông thì những dịch vụ mua bán càng nhiều, không chỉ trong tiệm mà còn tràn ngập đường phố. Một trong những dịch vụ mua bán đường phố này là đội ngũ trẻ em bán báo, sách tiếng nước ngoài, bưu thiếp, bán vé số v.v... cũng đông không kém. Để dễ tiếp cận khách nước ngoài, các em nói tiếng nước ngoài như gió, từ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa .., chỉ là những từ học lỏm đâu đó, nói riết rồi thành quen. Nhiều lần đi trên con đường này, tôi gặp những bé gái chừng 9, 10 tuổi, tay ôm cả chồng sách báo. Tôi hay xót lòng nên thường dừng lại mua chút ít gì đó để giúp đỡ. Hỏi về hoàn cảnh thì đa số kể: " Con đi bán hàng nuôi em con!" Hỏi cha mẹ đâu, cháu bảo "Cha mẹ con chết hết rồi!"... Có lúc thì là một bà cụ ngồi bên góc đường với chiếc nón lá rách để ngửa. Cho tiền, hỏi con cái cụ đâu. Bà trả lời: Tui có 3 đứa con trai. Vì con dâu bất nhơn quá không chịu nuôi nên thôi, ra đường kiếm ăn! Có lần một người khách đi cùng tôi nghe tôi kể đã xua tay: Không chắc đó đã là sự thật đâu!
"Tiểu thư" cũng ở trong đội quân trẻ em đường phố đó. Cũng hoàn cảnh tương tự như các em khác. Cha sớm say chiều xỉn, lại còn nghiện ma túy. Mẹ bệnh hoạn quanh năm suốt tháng, phần thiếu ăn nên người xanh xao vàng vọt. "Tiểu thư" là chị lớn của đàn em 3 đứa con trai cũng theo chị mạnh đứa nào bán thứ đó. Cuối ngày về các em nộp tiền cho cha. Cha quăng cho vợ con vài đồng lẻ, còn lại ông trút vào rượu và ma túy.
Rod gặp "Tiểu thư" trên con đường đó. Còn tôi biết đến cô bé khi Rod viết E-mail nhờ tôi tìm hộ một trường tiểu học nội trú của các ma soeur, và Hoàng thay mặt ông làm người giám hộ cho con bé. Ông từng nói với tôi: "Đó là một đứa bé thông minh, tôi sẽ giúp đỡ cho nó học hành tử tế. Học chữ và học đàn piano".
Vài tháng sau gặp lại Hoàng, cậu ta nói: "Ông Rod nuôi con bé ấy chỉ uổng công! Nó trốn học hoài. Nó quen cuộc sống tự do ngoài đường phố rồi, là một đứa bé bụi đời, giờ ông ta bắt nó phải nhốt mình trong những bức tường và biến nó thành cô tiểu thư nhà giàu, học hành tử tế, đàn piano, làm sao mà được! Trời, "Tiểu thư đường phố"!

Cái tên "Tiểu thư" bắt đầu được chúng tôi gọi từ đó. Có gì đó thật chua xót khi tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi từng nói với Rod: Tôi thật lo là ông sẽ uổng công. Con bé như một cánh chim tự do, nay ông nhốt nó vào lồng son, rồi nó sẽ vỗ cánh bay đi thôi. Còn người cha như thế, chỉ suốt đời làm khổ gia đình. 
Nhưng Rod thì cho là nhà trường quản lý không tốt và Hoàng đã làm vai trò giám hộ không hết lòng. Ông nói với tôi: - Khổ cho Tiểu thư là nếu nó phải đi học như vậy thì ai là người kiếm tiền nuôi lão cha già nghiện ngập và bà mẹ bệnh hoạn cùng đám em nheo nhóc đó! Con bé mới 12 tuổi! Nhưng nếu tôi phải giúp cho gia đình nó để nó yên tâm học hành thì không thể được! Tôi không thể bỏ tiền ra để nuôi một tên nghiện!
Giờ đây tôi xúc động vì câu chuyện này. Tôi thấy ân hận vì mình đã có những lúc thoáng qua nghĩ không tốt về Rod, về suy nghĩ và hành động của "Tiểu thư". Tôi cứ tưởng ngày con bé được cha mẹ nuôi giàu có lãnh qua Mỹ, sẽ trở thành một cô tiểu thư thật sự, sẽ được học hành tử tế, rồi tuổi thơ cơ cực sẽ qua, rồi cô sẽ lập gia đình với một chàng trai nào đó, và cùng lắm cô sẽ về thăm gia đình lúc đã có công ăn việc làm ổn định, có tiền đủ để giúp đỡ gia đình. Nhưng không, một cô gái 20 tuổi, rời nước Mỹ và cuộc sống giàu sang của một tiểu thư thật sự để trở về nhà chỉ vì cái gia đình tội nghiệp của mình vẫn còn sống trong cảnh lang thang đầu đường xó chợ. Khi thấy cha mình đêm đêm ngủ ở gầm cầu, nay ở chợ Ông Lãnh, mai chợ Cầu Muối, những con đường Sài Gòn ngày nay càng phát triển thì cầu càng nhiều. Còn mẹ cô từng tha đứa em út ra miền Bắc kiếm ăn, 2 đứa em trai nhỏ còn lại thì đi nhặt ve chai, đói khát là chuyện thường ngày. Bên kia bờ đại dương, "Tiểu thư" ứa nước mắt hàng đêm, tâm nguyện của cô bé là sẽ có một ngày về Việt Nam gom gia đình lại thành một. Chỉ sợ nếu để muộn màng thì không bao giờ cô còn có thể gặp lại gia đình mình nữa. Và vì thế, con chim nhỏ tự do lại thêm một lần nữa, bay ra khỏi chiếc lồng son.

Rod nhìn đồng hồ chỉ 12 g trưa. Ông nhấn phím từ chiếc Black Berry nhắn tin. Rồi đưa điện thoại cho tôi đọc những dòng “Tiểu thư” viết trả lời: "Dad, ở chỗ con trời đang mưa lớn".  – "Cô bé đang ở đâu"? Tôi hỏi. Rod trả lời: – "Tôi không biết. Nhưng tôi bảo con hãy đi bằng taxi đến đây. Ta sẽ trả tiền xe". Tôi nhìn Rod lúc đó đang chăm chú vào điện thoại nhưng toát lên một vẻ thật trìu mến. Khuôn mặt với bộ râu quai nón rậm rạp lùm xùm và cặp kính tròn trễ xuống mũi trông ông giống như ông già Nô-en. Ông có vẻ hạnh phúc vì chữ DAD. Tôi lại nhớ có lần ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông 40 năm về trước: “Lúc đó vợ chồng tôi rất nghèo, tôi phải may nệm ghế sa lông bằng tay. Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Và rồi hạnh phúc đã không còn khi vợ tôi mất vì bệnh ung thư. Một thời gian dài tôi sống trong đau khổ vì mất mát quá lớn. 20 năm sau tôi gặp Christy. Bà ấy có 2 con gái riêng. Người chồng quá ích kỷ và tàn nhẫn nên bà ly dị. Khi tôi đến với bà ấy, tôi đã xem 2 đứa con gái của bà như con của mình. Tôi không có con. Và tôi thèm được làm cha".
- Bây giờ “Tiểu thư” làm gì?
- Con bé đi học đại học, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường Đại học Quốc tế ở Sài Gòn.
- Tiền đâu để đóng học phí? Trời đất, đắt lắm ông à! Tôi kêu lên.
- Cha mẹ nuôi cho tiền học. Buổi tối nó đi làm thêm kiếm tiền lo cho gia đình. Nó thuê một căn hộ chung cư nhỏ, gom cha mẹ và các em lại. Một đứa con gái mới 20 tuổi đầu mà lo cho cả gia đình như vậy thật là một gánh nặng quá sức. Nó là một thiên thần!
Khoảng vài giây sau, Rod ngoắc gọi tính tiền rồi đứng dậy:
- Thôi tôi phải đi đây. Tôi sẽ gặp Tiểu Thư ở bên kia đường.
Tôi cũng đứng dậy: - Cảm ơn ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện này. Tôi thật sự rất cảm động!
Mưa nhỏ hạt dần nhưng khi bước ra đường vẫn bị ướt. Tôi mượn ở quán cà phê cây dù để đưa Rod đi qua đường rồi ông đi dọc theo con phố dưới những mái che. Tôi định nói với ông cho tôi gặp cô bé xem bây giờ con bé ra sao, nhưng rồi lại thôi. Cũng hơn 8 năm rồi tôi không gặp từ buổi tiệc bên hồ trong ngôi biệt thự Rod thuê ở khu Thảo Điền, Thủ Đức. Đêm hôm đó nhân dịp mẹ và Christy, vợ ông qua Việt Nam dịp Giáng sinh, Rod đã tổ chức party và mời nhiều bạn bè đến, có cả người nước ngoài và Việt Nam. Ông còn nói với tôi: Có lẽ chưa bao giờ mẹ con nhà "Tiểu thư" được tham dự buổi tiệc như thế này. Tôi muốn họ được biết đến tiệc Giáng sinh ít nhất là một lần trong đời. Lúc đó con bé chừng 12 tuổi, gầy nhom, nhỏ xíu, tôi chỉ còn nhớ mang máng nó có đôi mắt linh hoạt, ngồi cùng người mẹ gầy gò và 3 đứa em trai nhỏ khá quậy phá đêm hôm đó.

Khi quay trở về quán cà phê, trời vẫn còn mưa. Tôi đứng chờ cho mưa tạnh hẳn. Những bông hoa màu đỏ bên hàng rào gỗ sơn trắng trở nên tươi tắn hơn trong mưa. Tôi nghĩ đến cô bé Tiểu Thư, cuộc đời còn dài lắm. Em chỉ mới 20 tuổi. Rồi em sẽ làm gì, sẽ là ai trong ngày mai? Em sẽ tiếp tục sống ở đất nước này để đùm bọc cho gia đình em suốt đời hay khi họ tự ổn định cuộc sống được rồi em sẽ ra đi? Tôi có hỏi Rod câu này nhưng ông cũng lắc đầu: - Tôi không biết rồi cha mẹ con bé có khác hơn không chứ bây giờ họ vẫn sống hoàn toàn dựa vào nó. Nó tạo cho mẹ một tủ nhỏ bán thuốc lá trong khu chung cư nhưng hình như bà ta cũng chẳng làm được gì. Còn người cha, thật vô phương! Tôi cũng không biết phải khuyên nó như thế nào khi đã khuyên nó cách tốt nhất có thể, nhưng con bé vẫn lặng thinh làm theo ý mình. Chỉ mong rồi đây cuộc đời con bé sẽ sáng sủa hơn và gia đình nó hiểu được đứa con gái bé bỏng này đã thương yêu họ và hy sinh như thế nào.

Tôi vẫn chưa gặp lại Tiểu Thư, nhưng tôi đã hình dung ra em, một thiên thần có đôi cánh bé nhỏ.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi...

Tháng 10, 2013
NGUYỄN DIỆU TÂM

Photo: Mehmet Karaca


LẠC BƯỚC RỪNG THIỀN

Đó là một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào tiên cảnh với mây trắng mờ ảo phủ vây núi non trùng điệp, rừng thông xanh thẫm, những mặt hồ trong vắt lung linh phản chiếu bầu trời và cỏ hoa tươi đẹp. 

Huyền Không Sơn Thượng

Trước khi đến nơi này, tôi có nghe nhiều người nói về ngôi chùa nổi tiếng cùng cảnh vật thần tiên nơi đây và vị sư trụ trì vô cùng tài hoa. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến những câu thơ tuyệt đẹp của thi sĩ Phạm Thiên Thư:
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông..." (1)
Không hiểu sao tôi đã quên mất hai chữ "nhớ nhau" mà trong đầu tôi chỉ có hai chữ "ngủ quên". Xin mạn phép nhà thơ Phạm Thiên Thư cho tôi tạm đổi một chút trong hai câu đầu tiên của bài thơ "Động hoa vàng" khi tôi đang trong cảnh giới này :
 "Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ... ngủ quên"!

Thanh tịnh

Tôi không biết vị sư trụ trì chùa, Tỳ khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh, có phải đã là "quan" để "từ" hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông đã từ bỏ cuộc sống của con người bình thường đầy hỉ nộ ái ố để bước chân vào chốn Thiền môn thanh tịnh. Tuy nhiên, sau đó khi gặp ông rồi, tôi mới hiểu ông không hề bỏ quên cuộc đời, thân ông bỏ nhưng tấm lòng của ông đối với đời được san sẻ từ bi bao la. Là bậc cao tăng uy tín, đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, ông còn là một nhà sư giỏi thơ văn, hội họa và mỹ thuật, đặc biệt nổi tiếng về thư pháp. Phần lớn những xây dựng ở rừng Thiền này được các sư thầy làm bằng tay, từ những cái am, đình, những ao sen, đến những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc ngang qua hồ. Cả cánh rừng thơ mộng này nào đâu ông chỉ hưởng riêng mình, mỗi góc vườn xinh đẹp là một món quà tặng cho khách thập phương, mỗi câu thơ trên đá là một lời nhắn nhủ, là ánh sáng soi rọi vào hồn người trần thế. Trước đây ngoài đời Sư là thầy Nguyễn Duy Kha, từng là giáo sinh khóa 2 trường Sư Phạm Quy Nhơn. Xuất gia năm 1973, thọ giới Sa di năm 1973 và thọ giới Tỳ kheo năm 1977 tại chùa Tam Giới, Đà Nẵng. Sau đó Sư sáng lập chùa Huyền Không từ một mái lá dưới chân đèo Hải Vân năm 1978. Đến năm 1989, Sư thành lập Huyền Không Sơn Thượng II, rộng 50 ha., chính là nơi chúng tôi đang đến. 

Lối vào Huyền Không Sơn Thượng

Con đường đất đỏ dẫn đến Huyền Không vẫn còn hoang sơ và gập ghềnh không dễ đi, thế nhưng khi đến nơi rõ ràng là một khung cảnh thần tiên thơ mộng đang hiện ra trước mắt mọi người.
Bước qua rừng thông mà lá thông vàng lót dày êm ái dưới mỗi bước đi, vừa đi vừa ngắm những ao sen trắng điểm hoa súng tím, tâm hồn tôi chợt dịu nhẹ một cách lạ lùng. Đi đến đâu ta có thể thấy thơ đến đó. Những câu thơ được khắc theo kiểu thư pháp bay bướm trên đá, trên gỗ... Tôi không ghi chép lại nổi hết tất cả những câu thơ đã rải trên đường, cứ mỗi khoảng cách vài mét là có một phiến đá, một tấm gỗ thông với thơ. Từ lối vào rừng Thiền là một bảng nội quy bằng thơ:
 "Là người lịch sự văn minh,
Giữ gìn chút cảnh chút tình sau đây:
Không nên đốn củi, chặt cây.
Không nên nhóm lửa lan lây cháy rừng.
Không nên xả rác lung tung,
Không nên câu cá, cũng đừng bẻ hoa.
.....
Để còn chút mộng chút mơ,
Để còn nét chữ câu thơ ... hồn thiền."

Nội quy

Không biết có phải vì cái bảng nội quy rất "thơ" đó hay không mà tuyệt nhiên trên quãng đường dài hơn cây số đến Am Mây Tía, nơi ở của tỳ khưu Giới Đức, mọi thứ đều đẹp đẽ, sạch sẽ dù rải rác đây đó tôi thấy có nhiều nhóm khách thập phương cùng đến viếng chùa. Cây cối được chăm sóc tốt tươi, hoa lá tưng bừng, trong nhiều cái ao bên đường những bông súng màu tím tươi vui khoe sắc. Chúng tôi đi qua những chiếc cầu bằng gỗ, một khu rừng thông, vườn trúc, thấp thoáng qua rừng cây những mái chùa cong cong hết sức nên thơ. 
Từ lúc bước vào rừng Thiền tôi đã nghĩ vị trụ trì này rất lạ. Rất tài hoa, lãng mạn khi tạo dựng được cả một khu rừng và cảnh chùa theo lối vườn Huế thi vị như thế này. Ngoài rừng thông, vườn trúc, vườn kiểng hơn 100 chậu non bộ, những ao sen hồng, súng tím, còn có cả một vườn lan khoảng 200 loại lan quý bốn mùa khoe sắc là Mặc Lan, Đông Lan, Tứ Thời, Hồng Điểm, Bạch Ngọc, Nhất Điểm Hồng, Đại Kiều, Tiểu Kiều v.v... cùng một vườn hồng phía trước với hàng trăm loại hồng: Hồng Bạch, Hồng Nhung, Hồng Vàng ... Rải rác đây đó là những mái am, ngay cả điện thờ Phật chính cũng nhỏ nhắn xinh xắn, kiến trúc đơn giản mộc mạc. Tất cả đều toát lên tinh thần và tâm hồn Việt, không chút lạ lùng ngoại lai. Tôi cũng nhận thấy ông chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ Thiền của các vị thiền sư. Ngay bức tường đá trên đường vào là bài  thơ của thiền sư Viên Minh:
"Viết bài thơ trên cát,
Con sóng vỗ xóa đi.
Vô tình đâu nhớ được,
Mình viết bài thơ gì."

Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng

Nhóm bạn của chị tôi đã đi đâu từ lâu, tôi vẫn còn thơ thẩn trong rừng thông nghe chim hót và ngắm những bông hoa bên đường. Rồi tôi đi theo những câu thơ. Chợt cảm thấy như mình đang sống trong câu chuyện cổ tích lạc vào rừng xanh và tìm về nhà theo những viên đá đánh dấu được viết bằng thơ trên đường. Rất thích thú với một số câu thơ được khắc trên đá và gỗ trên đường vào:
"Bước đi ai nhớ dấu chân,
Khói sương khỏa lấp tiền thân thuở nào"
Ở một góc khác:
"Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,
Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”
Hay:
"Thương ai đá đứng, cỏ nằm
Khói sương cảo lục, con trăng cõi về".
Rừng trúc Huyền Không Sơn Thượng

Trước cổng tam quan nhà chùa theo dáng cây trúc có một cái bảng gỗ "Phong Trúc Am" và hai câu đối buông hai bên:
"Rừng gió vi vu rớt một tiếng chim, sao tĩnh lặng.
Khóm trúc xào xạc, rụng vài chiếc lá, động vô thanh"
Thấp thoáng đã thấy Am Mây Tía:
"Hang xanh mây tía ẩn cư,
Phương này trăng nước thi thư tọa đàm"
Nơi đây treo rất nhiều thư pháp:
"Một cõi cỏ thơm, thơ núi lặng,
Bốn bề mây trắng bút non xanh."
Một số câu thơ nhắc nhở con người nhớ về cha mẹ:
"Cha cho gánh chữ ngần vai,
Mẹ cho giọt nắng soãi dài tuyết đông".
Hay chiêm nghiệm về cuộc đời:
"Đường đời vút cánh chim hồng,
Lối về chi sá bão dông tình đời".

Phương Thảo Địa

Tôi đi qua một khu vườn, cổng mang bảng gỗ "Phương Thảo Địa", lối vào vườn cỏ thơm. Ba chữ này có lẽ đã được Tỳ khưu Giới Đức lấy ý từ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu:
"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi"(2)
Xin tạm dịch nghĩa:
"Xuân thăm miền cỏ thơm
Hạ ngắm ao sen biếc
Thu uống rượu cúc vàng
Đông ngâm thơ tuyết trắng"
Am Mây Tía

Càng đi, tôi càng thấy rất thích những cái tên mà Sư thầy đã đặt cho từng khu vực, với những câu đối hay:
"Bút vẫy rừng không, mây gió buâng khuâng, trăng sáng chữ
Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!."
Ở Am Mây Tía:
"Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói,
Kinh Thư đa nghĩa nước trăng cười"
Tại Nghinh lương đình :
"Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại
Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn"
Cùng hai câu thơ thật đẹp:
"Nghe đạo, hương rừng theo gió đến
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!"
Vì vậy muốn viết về Huyền Không có lẽ không cần phải tả tình tả cảnh nhiều, dường như những câu thơ của Tỳ khưu Giới Đức đã nói lên được hết vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Ta không ngửi và vẫn cảm thấy dường như mùi hương rừng đang ngào ngạt thoảng về. Ta không thấy mà vẫn tưởng như trên đầu non đã có vầng trăng tỏa sáng, thứ ánh sáng trong trẻo tinh khôi chỉ ở vùng rừng núi nguyên sơ mới có.

Thư Pháp Đình

Thư Pháp Am, nằm đối diện với đồi thông bên kia Sơn Ảnh Hồ, là nơi trưng bày thư pháp và cũng là nơi để tao nhân mặc khách ghé thăm mặc sức họa thư pháp bằng bút tre trên giấy:
"Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút
Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn"
Dễ thương nhất là hai câu được đặt ngay dưới thềm bước vào chánh điện lễ Phật:
"Xin khách để bụi dưới thềm,
Cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa"
Hai câu này vừa dí dỏm, hiền hậu và rất thơ khi nhắc khách thập phương nhớ bỏ giầy dép bên ngoài, thật là dễ thương chưa thấy nơi đâu có. 

Chánh điện Chùa Huyền Không

Phải nói rằng khi viếng thăm cảnh chùa Huyền Không, ngoài những bức thư pháp, tôi rất thích thú với những cái tên được đặt cho các am, đình ở đó như Am Mây Tía, Am Trăng Ngủ, Nghinh Lương đình v.v...
Nhóm các anh chị mà tôi đi cùng đều là giáo sinh Cao đẳng Sư Phạm Quy Nhơn khóa 7. Khi nghe các anh chị giới thiệu, sư thầy Giới Đức cũng nói rằng thầy là đồng môn khóa 2. Rồi thầy tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn Con Gái Đức Phật, một cổ sử truyện về "hành trạng của chư Thánh Ni và những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng" (3)
Thầy cũng giải thích vì sao có tên "Am Mây Tía", đó là lấy từ ý thơ Thiền của Vua Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc lên núi Yên Tử tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào đầu thế kỷ 14.

Tỳ khưu Giới Đức và các Phật tử

Những bài kệ trong sách được tác giả diễn dịch hay như thơ. Thấy có mấy tập thơ đẹp tôi xin mua nhưng Tỳ khưu nói sách đã hết, đó là những tập cuối cùng còn lại nên thôi, lòng thấy tiếc.
Khi chúng tôi khen cảnh chùa quá đẹp, tỳ khưu nói rằng ông chỉ muốn đem đến cho khách thập phương niềm hạnh phúc của sự cảm nhận cái đẹp thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng đó là một mong muốn vô cùng từ bi, đẹp đẽ của một vị cao tăng đáng kính. 
Trên đường về, lòng tôi vẫn thấy nao nao vì những gì đã được chiêm ngưỡng. Một ngôi chùa đơn sơ, không đồ sộ, bằng gỗ rất khiêm tốn đơn giản, làm bằng tay đôi chỗ thật đơn sơ nhưng sao rất vấn vương lòng người từ cảnh vật đến lời thơ. Phải chăng do vị sư trụ trì tài hoa uyên bác đã thổi hồn vào cho thiên nhiên cảnh vật thêm hữu tình hữu ý? Tôi lại nghĩ đến những ngôi chùa đồ sộ ở thành phố với kiến trúc cầu kỳ nặng nề gây cảm giác chật chội nhức mắt. Về Huế, đi thăm chùa Thiên Mụ, nơi tôi đã quy y với Cố Thượng tọa Thích Đôn Hậu từ những ngày còn bé, dù còn phảng phất mùi hương kỷ niệm thời thơ ấu thường theo mẹ đến chùa nhưng dường như đã không còn cảm giác thanh tịnh thơ mộng như ngày xưa khi nay có quá nhiều đoàn du khách theo chương trình du lịch nhồi nhét cho đầy và mỗi lần đến tham quan chỉ được giới hạn trong chừng nửa tiếng để rồi vội vã xuống thuyền ngược dòng sông Hương về lại thành phố. Tôi cũng không thích các hàng quán thương mại và dịch vụ ăn theo du lịch ồn ào bên ngoài, đã làm mất đi nhiều vẻ tôn nghiêm và nét đẹp thơ mộng dưới chân chùa Thiên Mụ. 

Mặt hồ soi bóng núi

Cái đẹp ở Huyền Không là cả một không gian Thiền tĩnh mịch, sâu lắng. Vắng vẻ vì khá xa thành phố, nhưng cảnh quan tạo cho du khách cảm giác trở về với thiên nhiên nên thơ mà rũ bụi trần. Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến, chỉ còn ước mơ:
"Cho tôi mơ giấc mộng dài,
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh"! (4)

NGUYỄN DIỆU TÂM
Tháng 8. 2012

(1) Động Hoa Vàng - Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Tứ Thời Thi - Thơ Thôi Hiệu
(3) Trích trong tác phẩm "Con Gái Đức Phật" của Tỳ Khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(4) Mơ Giấc Mộng Dài - Nhạc Phạm Duy
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Saturday, May 17, 2014

TRỞ LẠI ĐẢO NGỌC

Trở lại đảo Ngọc Phú Quốc sau 27 năm xa cách, chuyến đi bất ngờ không dự định, nhưng đã gây nhiều xúc cảm trong lòng tôi.
Tôi có thói quen thích ngồi gần cửa sổ trên những chuyến tàu, nhưng không phải lúc nào mình cũng được ngồi ở vị trí mong muốn. Một người đàn ông đã ngồi bên cửa sổ, còn tôi là số ghế bên trong. Khi chuyến bay Vietnam Airlines 1813 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, bay lên cao lẫn vào trong những đám mây, khoảng 10 phút sau tôi vẫn nhìn thấy được những cánh đồng xanh thẳm bên dưới. Chập chờn mươi phút nữa, là biển bao la. Từng cuộn mây trắng như bông rắc cùng khắp bầu trời xanh biếc và rồi bên dưới là những mảnh đảo trong cụm quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan chen nhau trên mặt biển. Khi máy bay dần hạ thấp xuống sau gần 1 giờ bay, đảo Ngọc Phú Quốc chập chùng rừng núi giữa biển xanh trong vắt màu ngọc bích, cát trắng viền quanh đảo thật đẹp hiện ra. Chuyến bay lần này cho tôi cảm giác rất khác với những chuyến bay xa trước đây vì khi lên cao chỉ thấy trời và mây, còn bây giờ dường như máy bay đang bay ở độ cao không quá cao nên lúc nào nhìn qua khoang cửa tôi cũng nhìn thấy biển và rừng núi.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc giữa trưa tháng 3. So với 27 năm trước, sân bay đẹp hơn rất nhiều do mới xây dựng lại. Con đường đất ngày xưa dẫn về chợ Dương Đông nay đã được mở rộng và tráng nhựa, những ngôi nhà hai bên đường to lớn hơn, thoạt nhìn đã thấy thành phố thay đổi rất nhiều, hiện đại hơn, tiện nghi hơn không thua những thành phố lớn miền biển khác. Trời hơi nóng, nhưng dễ chịu và thỉnh thoảng có gió mát thổi về từ biển.

Đảo Ngọc Phú Quốc - Ảnh: google
Phương đón tôi ở phi trường. Cô lấy số điện thoại từ các con tôi, gọi cho tôi ngày hôm trước "Sao chị không về? Đã lâu quá rồi. Em nhớ chị!" Thật tình tôi không nhớ ra Phương. Nhưng giọng nói nghẹn ngào xúc động của Phương rất gần gũi nên tôi nghĩ chắc chắn ngày ấy Phương khá thân với tôi mà chỉ vì lâu quá, không nhớ nổi đó là ai.
"Em sẽ đón chị ở sân bay, chị về nhà em ở". Tôi ừ. "Em mặc áo màu vàng". Vừa ra cửa đã thấy cô gái mặc áo vàng, tôi nhận ra Phương ngay. "Chị nhận ra em rồi, chỉ có cái quên tên em, lâu quá mà"! Phương cười "Em thì nhận ra chị ngay, chị không thay đổi mấy".
Cô gái chở tôi về nhà cô trước để cất hành lý. Nhà cô cách nơi đám tang 2 căn, tiện cho tôi qua lại những ngày này.
Tràn ngập xúc động khi gặp lại rất nhiều người quen, bà con bên ngoại chồng. Những đứa bé nhỏ xíu ngày ấy trạc tuổi con tôi năm lên ba nay đã lớn. Thằng con tôi lúc ấy hay chơi với một cô bé hàng xóm cùng tuổi, nó hay rủ cô bé cùng leo lên chiếc Vespa cũ của ông cậu bỏ ngoài hiên, giắt thêm cành lê ki ma, rồi gọi mẹ "Mẹ ơi, xem này, đây là xe hoa"! Cô bé ấy bây giờ lớn bộn, tóc dài nhuộm vàng nâu, diện đúng mốt, mặt mày thật xinh xắn. "Bây giờ con làm gì?" - "Dạ, con làm ở tiệm uốn tóc". Tôi cũng nhớ đến cha cô, người ngư dân vạm vỡ như chàng Vọi trong Trống Mái của Khái Hưng. Ngoài những ngày đi biển thì anh ở nhà chăm sóc đàn con 5 đứa và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, nhất là mẹ con tôi trong hoàn cảnh chồng ở xa. Những lúc máy may hư, cánh cửa long bản lề, không biết gọi ai thì anh luôn là người hùng ra tay giúp đỡ.
Một anh chàng chạy đến "Chị nhớ em không?" Tôi nhìn rồi lắc đầu. "Cu La đây chị!"...
Một chàng trẻ tuổi khác: "Nhớ em không? Hồi đó em mặc toàn quần tây sơ mi chị may!"
Rồi một người phụ nữ: "Em nhận ra chị nhưng chắc chị không nhớ em rồi. Hồi đó chị may áo cưới cho em đó!"
Một cô gái lướt qua: "Chị nhớ em không?" Tôi cười "Rất quen..." Thì ra là cô bé mà cuộc đời cũng tương tự như hoàn cảnh Lâm Sanh Xuân Nương trong câu chuyện cổ dân gian ngày còn bé được đọc. Cha đi Mỹ, mẹ giao hai chị em - chị 2 tuổi còn em trai mới được vài tháng cho bà nội nuôi để đi lấy chồng. Hai chị em lớn lên trong tình yêu và sự nuôi dưỡng của ông bà nội và các cô chú. Thỉnh thoảng nhớ con quá, vì bị mẹ chồng cấm tiệt không được thăm con, người mẹ đến nhà đứng ngoài hàng rào lấp ló chờ con ra sân chơi để nhìn. Hai chị em cứ vậy mà lớn. Nay cô chị đã trưởng thành, có gia đình riêng của mình và làm ăn rất giỏi.
Một cô bé nữa, từng từ Phú Quốc lên Sài gòn cùng mẹ ở tạm trong nhà chồng tôi trong suốt thời gian chữa bệnh. Cha cô nhậu nhẹt tối ngày, thỉnh thoảng cũng cho con uống bia. Lúc 5 tuổi, cô bé nhìn thấy chai bia cha nhét vội trong góc giường đã bò vào lấy ra uống. Không ngờ đó là a xít. May là chỉ mới mở nút chai ngửi, vậy mà cổ họng cô teo rút lại không ăn uống được, bác sĩ phải tìm cách nong ra. Lúc đó cô bé xinh như thiên thần và tai nạn của cô đã làm mọi người rơi nước mắt. Nay nhìn thấy cô bé lớn lên như thế, tôi sững người, thật cảm ơn Trời Phật đã cho cô sống.
Các em cũng giống như con trai tôi, đứa bé lúc nhỏ rất kháu khỉnh mà mọi người ở đây ai cũng yêu quý nhắc nhở, bây giờ cháu cao lớn, chững chạc, lâu ngày không gặp làm sao nhận ra.
Rồi các dì, các mợ, anh chị em bà con, tay bắt mặt mừng sau quá nhiều năm xa cách, nhưng trong hoàn cảnh này, nhiều người đã khóc khi gặp lại tôi. Thắp nén nhang cho anh xong, tôi ra cùng với các dì đang tập trung trong khu bếp đảm trách hậu cần. Bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Ngoài sân chừng chục bàn ngồi đầy khách. Nhóm phục vụ liên tục mời trà, bánh, dọn cơm. Tôi đã biết ở quê, mỗi lần nhà ai có quan hôn tang tế là coi như bếp núc rần rần suốt ngày để phục vụ, vậy mà nhìn thấy cảnh tượng này cũng khá ngỡ ngàng. Những món bánh được dọn lên rất khéo, từ bánh bao, bánh bò, da lợn, các món ăn mặn dĩ nhiên đa phần là hải sản tươi ngon, đều do các dì và các chị em bạn dâu làm. Mỗi lần họ hàng có đám, giỗ quảy, là phụ nữ luôn lãnh phần làm bếp. Tôi thấy món nào cũng ngon, và ngày ba bữa không có bữa ăn nào giống nhau. Và tất nhiên không thể thiếu món đặc sản của Phú Quốc là bánh canh cá rất ngon, tôi vẫn nhớ lúc trước tôi rất ghiền. Phía đầu xóm có một gánh bánh canh mà mỗi sáng nếu không ra sớm sẽ không bao giờ được ăn vì khách luôn rất đông, gánh bánh canh không kịp bán. Bột bánh dai và trong, từng sợi dài hơi to, nước lèo hầm từ xương cá rất ngọt. Khi ăn rắc tiêu Phú Quốc, thả thêm vài lát ớt đỏ cay, một chút tỏi hành phi thơm, lát chả cá dai dai chấm với nước mắm Phú Quốc thật là tuyệt.

Dinh Cậu, Dương Đông - Phú Quốc. Ảnh: NDT
Tàu thuyền neo bên sông Dương Đông - Ảnh: NDT
Tàu cá về sớm mai bên sông Dương Đông - Ảnh: NDT
Tôi cũng thấy lúc này Phú Quốc đông dân hơn xưa rất nhiều. Nhà cửa ở thị trấn san sát mọc, có bệnh viện, nhiều trường học khang trang. Vùng biển Phú Quốc có 22 đảo lớn nhỏ, trong đó diện tích đảo Phú Quốc xấp xỉ đảo quốc Singapore nhưng dân số trước 1975 rất thưa thớt, chỉ khoảng 5.000 người toàn đảo. Ngày nay đã lên đến gần 80.000 người do làn sóng di dân sau 1975.
Được biết vào cuối thế kỷ 17, một người Hoa là Mạc Cửu quê Quảng Đông đã rời Phúc Kiến dẫn theo gia đình và hàng trăm binh sĩ, sĩ tử ra đi đến đảo Koh Tral thuộc Chân Lạp lập nghiệp. Dần dần vùng đất này trở thành phồn vinh, giàu có, quy tụ cộng đồng người Hoa từ các đảo gần đó, mới đổi tên thành Phú quốc. Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ lên nối nghiệp. Đến giữa thế kỷ 18 thì Phú Quốc cùng các lãnh thổ vùng duyên hải ven bờ Vịnh Thái Lan bao gồm Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Bạc Liêu ... được dâng cho Chúa Nguyễn. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã sát nhập tất cả vào trấn Hà Tiên giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Xóm chài Hàm Ninh, Phú Quốc. Ảnh: NDT
Bãi Dài, Phú Quốc. Ảnh: NDT
Bãi Dài - Ảnh: NDT
Có lẽ vì vậy mà đa số dân Phú Quốc gốc người Hoa. Nhiều phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực pha lẫn Hoa, Việt, Thái Lan, Campuchia ... rất khác với các vùng đất liền. Nhiều thắc mắc tôi hỏi thì chỉ được trả lời "Ở đây là như vậy đó!"
Tôi không rõ bên chồng tôi là gốc Hoa hay Việt nhưng một số chị em bạn dâu là người Hoa, rất xinh đẹp. Gia đình họ nhiều đời làm ăn giàu có. Và cũng có lẽ gốc người Hoa ở đây nhiều quá nên phong tục và suy nghĩ của họ cũng rất phong kiến, rằng đàn ông là người chủ gia đình, ra ngoài đi làm, giao tế, và có thể được lấy nhiều vợ. Ông ngoại chồng tôi chính thức là 2 bà vợ, chưa kể bà ba và không biết còn những ai trong bóng tối nữa. Và khi đàn ông ra ngoài giao tế, dĩ nhiên luôn có chén anh chén chú. Cái "văn hóa" nhậu này thật ra không chỉ ở Phú Quốc do đàn ông đi biển cần chất "xúc tác" mà dường như khắp nước đâu đâu cũng có nhậu. Có về Phú Quốc mới thấy thương cho những người đàn bà. Họ đóng vai trò nhỏ mọn, thầm lặng sau lưng chồng. Đa phần ở nhà sinh con, lo bếp núc hầu ông chồng và bạn nhậu, bà con lối xóm có đám cưới, đám giỗ hay tang ma đều có mặt để phụ giúp hậu cần, các bữa ăn đãi khách và có lẽ đó là lý do vì sao phụ nữ Phú Quốc rất đảm đang, giỏi việc nhà, nữ công gia chánh. Có người suốt cuộc đời tận tụy cho chồng con, gần cuối đời mới biết trắng tay vì chồng tham vàng bỏ ngãi. Đó là hình ảnh tôi biết 27 năm về trước, còn bây giờ vì thời gian trở lại ngắn ngủi quá, tôi không rõ có đổi khác chút nào không nhưng nhìn lại cuộc đời các dì và người quen qua lời kể, tôi thấy rất thương cảm. Cả con trai tôi cũng cùng một suy nghĩ.
Tò mò muốn nhìn thấy cảnh đổi thay của Phú Quốc, buổi chiều hôm đó tôi đã đi với Phương xem qua và tìm thăm ngôi nhà cũ mà ông ngoại chồng đã cho chúng tôi mượn ở ngày xưa. Đó là căn nhà cổ 3 gian lợp ngói mà trong một bài thơ viết cho con tôi có nhắc đến:
Ngày con vừa chào đời,
Mẹ thêu con tấm áo.
Một đàn chim vui tươi,
Đời con đầy tiếng cười.

Con loanh quanh bên mẹ,
Giúp mẹ nhặt chỉ thừa,
Đuổi chuột vào nhà trống,
Mái vỡ dệt sợi mưa.

Bên con lòng mẹ ấm,
Dù ngoài trời bão giông,
Con diều hâu nào động,
Mẹ dấu con vào lòng... (*)
Đứng ở ngôi nhà xưa bây giờ đã được nhà ông cậu khoanh lại bằng hàng rào, bà mợ đi vắng không vào được, tôi bồi hồi nhớ lại ngày cũ. Tôi thấy tôi ngồi bên chiếc máy may ngay góc ở cửa ra vào. Con trai tôi lon ton chạy tới chạy lui. Tiếng con gọi "Mẹ ơi, đừng sợ, có con đây!"  khi thỉnh thoảng có chú chuột nhắt nào đó vọt qua. Cây lê ki ma xum xuê bên nóc buồng tắm đã bị đốn vì vùng đất kế bên đã bị giải tỏa nhưng cái giếng xưa vẫn còn. Ngày ấy nơi này chưa có nước trong để dùng, cái giếng là nơi tập trung lối xóm giặt giũ. Mỗi ngày tôi phải chờ ông dượng M lên núi chở nước sạch về. Người ta bảo trên núi có giếng tiên. Có lẽ nhờ tắm nước giếng tiên mà con gái Phú Quốc dù là dân miền biển vẫn trắng trẻo xinh đẹp?

Giếng Tiên, Dương Đông - Ảnh: NDT
Phía trước nhà có con sông, mỗi lần cập bờ là ông dượng lui cui xách nước vào xóm. Tôi gọi bằng dượng vì ông là chồng bà dì, một người phụ nữ xinh đẹp đảm đang nhưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra mà đã từ lâu họ chia hai căn nhà ra người ở phía trước, kẻ đằng sau. Bề ngoài ông tuy cục mịch, lầm lì nhưng tánh tốt, ai nhờ vả gì ông cũng làm. Con tôi lúc đó mới lên ba, nhưng nó vẫn còn nhớ từ bên này muốn đi qua nhà bà dì Hai thì phải gọi thúng chở đi. Nhìn ra xa hướng bên trái là cửa sông Dương Đông và dinh Cậu, ngôi đền thờ linh thiêng mà ngư dân địa phương thường cầu nguyện mỗi lần ra khơi. Từ đó là bãi biển trải dài nước trong xanh và cát trắng mà buổi chiều tôi thường dẫn con ra chơi. Biển là nơi để tôi mơ mộng và thả nỗi buồn.
Tôi tiếp tục đi về phía biển. Bây giờ cũng không còn trống chỗ vì hàng loạt resort, khách sạn, nhà hàng đã nằm chen kín. Ngày nay muốn ra biển tắm phải đi vào các khu vực này.
Rẽ qua con đường nhỏ là đường đi vào Chợ Đêm Dương Đông. Ngày trước, con đường từ nhà ra chợ  khá gần. Mỗi buổi sáng tôi thường vội vã ra chợ sớm để mua được cá mực tươi ngon. Thuyền cá cập sát mé chợ, nếu nhảy xuống thuyền mua thì giá rẻ hơn khi đã đưa lên bờ. Tôi không dám nhảy xuống vì khoảng cách khá cao, sợ ngã xuống nước. Thích nhất là mua được ghẹ, mực tươi xanh đem về hấp dấm. Cái món cá trích là món tôi mê. Chỉ cần làm sạch, không cần lấy xương, cứ sắp kín vào nồi, đổ nước mắm ngon Phú Quốc và đường vào rồi bắc lên lò riu riu lửa tự động xương cá mềm rục như cá hộp, mà con cá cứng lại, ăn với cơm và canh khoai mỡ rất ngon. Cá trích làm gỏi cũng ngon. Thỉnh thoảng đi chợ tôi cũng thấy cá nóc. Loại cá này nhìn hình thù bên ngoài đã thấy sợ. Nghe nói gan của nó rất độc. Có lần nghe đồn một người vợ đã đầu độc chồng bằng món cháo cá nóc mà khi làm cá, chị ta không bỏ gan đi.Ngoài ra còn có các đặc sản nổi tiếng ngoài nước mắm Phú Quốc lừng lẫy là cá khô thiều, mực, hồ tiêu.. Nhiều hãng nước mắm nay có thêm resort, nhà hàng, khách sạn cùng tên mà chỉ đi một vòng tôi đã nhận ra.

Chợ đêm Dinh Cậu, Dương Đông - Ảnh: NDT

Chợ đêm Dương Đông tối cuối tuần thật đông khách. Đèn đuốc sáng choang. Nhiều quán ăn trình bày các loại hải sản địa phương rất bắt mắt. Những tủ kính bán hàng mỹ nghệ có đủ loại ốc lạ, màu sắc rất đẹp. Có lẽ do dân du lịch ngày nay đã biết đến Phú Quốc nhiều nên nhiều sinh hoạt nơi này hiện nay cũng dành để phục vụ khách du lịch. Kề bên đền thờ Dinh Cậu cách đó không xa lại có một chợ đêm Dinh Cậu nữa. Tối thứ bảy khách Tây đến đây rất đông. Từ những lần đặt vé máy bay qua mạng và lúc ngồi chờ ở sân bay, tôi đã thấy những chuyến bay Vietnam Airlines và Air Mekong đều chật cứng và liên tục trong ngày, tôi mới biết hành trình đi Phú Quốc rất thu hút. Đi thăm Chợ đêm Phú Quốc, tôi lại có đánh giá mô hình này có vẻ hấp dẫn hơn cả chợ đêm Bến Thành.
Đi về phía khu resort, đèn giăng lộng lẫy tưng bừng như đêm lễ hội. Có nhiều quán bar, nhà hàng Barbecue, tiệm café, nhà hàng hải sản, các cửa hàng mỹ nghệ, khách sạn sang trọng ... không thua gì Mũi Né.
Buổi sáng hôm sau, chủ nhật, cũng là ngày sinh nhật của tôi. Những tin nhắn chúc mừng sinh nhật đã gửi vào di động từ sáng sớm. Trên trang web nthqn.org, tôi chợt sửng sốt và xúc động đến lặng người khi nhìn thấy bức ảnh ngọn hải đăng trên nền màu tím với những câu thơ trong bài Khi Ngọn Đèn Biển Hát tôi viết 2 tuần trước:
Em, ngọn đèn biển cũ,
Hiu hắt soi sáng đường.
Tàu anh không lạc lối,
Trong biển đời mù sương... (**) 
Hình như mắt tôi có ướt. Sao bỗng dưng ngọn hải đăng ám ảnh mình? Sao bỗng dưng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ngọn hải đăng như người vợ đứng trông chồng?
Khi đọc bài thơ này, một người bạn gọi cho tôi nói rằng bài thơ cảm động quá, làm anh nhớ đến một câu truyện đọc đã lâu vào năm lớp 10, "Mùa Tôm" của Thakagi Xinvaxankara Pillai. Câu chuyện này viết về một tình yêu khác đẳng cấp và tín ngưỡng ở một vùng dân chài Ấn độ. Trong một cơn bão biển, những người đàn ông của làng chài đã biệt tăm và trên bờ mỗi ngày tất cả phụ nữ trong làng đều đổ xô ra biển đứng trông chồng về. Dần dần tất cả đã trở về, chỉ còn lại một người đàn bà đứng mòn mỏi:
..."Làm sao người đàn ông ra biển đánh cá lại trở về yên  lành ? Đó là vì người đàn bà ở nhà sống trong sạch. Nếu không thì các luồng nước hung dữ ngoài biển cả sẽ dìm họ. Tính mạng người đàn ông đi biển nằm trong tay người đàn bà trên bờ"... (***)
Và đó có vẻ là một ngày rất lạ trong đời tôi.
Tôi rủ Phương đi ăn sáng ở quán café nằm bên cầu Hùng Vương. Dòng sông Dương Đông trong vắt phản chiếu những bụi cây lạ hai bên bờ, những chiếc thuyền đánh cá neo bên sông. Một nhóm ngư dân đang rửa lưới sau một đêm đi đánh cá, mực. Tôi nhận ra tàu đánh cá Phú Quốc không giống với tàu đánh cá ở Mũi Né hay Vũng Tàu, là không có con mắt thần vẽ ở đầu mũi tàu. Đến tối, muốn cho tôi khuây khỏa đôi chút, Phương lại đưa tôi đến nhà hàng TD cùng với vài người bạn của P để “mừng sinh nhật”.  Sau đó chúng tôi cùng đi uống café trước chợ đêm Dinh Cậu. Phía biển đêm, những chiếc tàu chở khách du lịch đi câu mực rực rỡ ánh đèn trở về. Trong đêm, những con tàu lấp lánh ánh đèn thật đẹp.

Tàu đêm và những con thuyền câu mực - Ảnh: NDT
Có lẽ hôm nay là sinh nhật lần đầu trong đời tôi cảm nhận mình đang ở trong một hoàn cảnh khá lạ. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Trở về một nơi đã từng sống tuy không lâu nhưng khá nhiều kỷ niệm cũng làm mình bùi ngùi. Tôi không biết anh ấy có vui mừng khi thấy tôi trở về chốn cũ ? Mọi chuyện cũng đã qua rồi, qua rất lâu rồi. Giờ đây có lẽ anh đã thanh thản ra đi về nơi rất xa, như những con tàu ra đi không bao giờ trở lại trên biển cả. Đứng bên cửa sông Dương Đông lồng lộng gió, tôi thấy hình như mình đang thả trôi mọi muộn phiền về phía biển đêm ...

Tháng 3-2012
NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

(*) Đi Hỏi Vợ Cho Con
http://ngdieutam.wordpress.com/2011/04/05/di-h%e1%bb%8fi-v%e1%bb%a3-cho-con/
(**) Khi Ngọn Đèn Biển Hát
http://ngdieutam.blogspot.com/2012/02/khi-ngon-en-bien-hat.html
(***) Trích đoạn trong tiểu thuyết "Mùa Tôm" của Thakagi Xinvaxankara Pillai, văn hào Ấn độ. Bản dịch : Hoàng Cường.

Friday, May 2, 2014

HUẾ VÀ NHỮNG CƠN MƯA

Cuối tháng 6. Ở Sài gòn, nơi chốn thành đô tôi đang sống, là những ngày bắt đầu cho những cơn mưa. Mấy ngày qua mưa tầm tã, mưa suốt từ sáng đến tối, nói theo cách Huế của mẹ tôi, là “mưa thúi đất”. Hình như có một cơn bão đâu đó ngoài miền Trung. Saigon thường chỉ bị ảnh hưởng, bão không trực tiếp đến nhưng mưa tầm tã không dứt suốt một tuần. Những cơn mưa như thế này thường làm tôi nhớ đến mưa Huế, nhớ đến bóng người nặng trĩu với đôi gánh trên vai lầm lũi cô độc đi trong mưa gió ngang qua hoàng thành cũ xưa và đổ nát trong bức ảnh "Kỳ đài mùa đông" của nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ. Từ những ký ức của tuổi thơ tôi vọng về, mưa Huế, là những cơn mưa dai dẳng, mưa trên những mái ngói âm dương bạc màu, mưa trên thành quách cổ rong rêu, mưa thấm sâu trong lòng đất, mưa rả rích gợi nhớ rất nhiều về ngày hôm qua. 

Trên dòng Hương giang - Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Hay đó chỉ bởi vì ngày hôm qua có một người bạn gái hàng xóm thời thơ ấu ghé thăm tôi trong chuyến cô đi công tác Sài gòn. Tôi quên mất rồi ngoài một điều mang máng nhớ là ngày đó chúng tôi vẫn thường đi học và chơi chung với nhau trong sân nhà, cô bạn bé bỏng có đôi mắt to đen và hàng mi rậm, vẻ mặt lém lỉnh. Chúng tôi nói với nhau về con đường trước nhà hai đứa có hai hàng cây sầu đông, mà một nhà văn gốc Huế, Nhã Ca, đã viết thành tập truyện "Mưa trên cây sầu đông" nói về một mối tình buồn của một cô gái xứ Huế  không dám vượt rào lễ giáo để đi tìm tự do cùng người yêu, tôi nghĩ nhà văn dùng tựa đề này có lẽ cũng vì ấn tượng về xứ Huế có rất nhiều cây sầu đông và mưa thì cứ mưa hoài. Những buổi sáng mùa đông, trời lạnh giá và sương mù trắng mờ lối đi, tôi và bạn nắm tay nhau lần dò trong sương mà đi, đứa nào cũng mặc 2, 3 cái áo, quần bên trong áo ấm khoác ngoài vẫn cứ rét run người nhưng thật thích thú. Rồi chúng tôi nói đến cái ao rau muống và cánh đồng phía sau nhà, vào mùa bão lớn, nước lụt dâng cao hơn nền nhà cả tấc, nước ngoài ao tràn vào sân mang theo nhiều cá rô đồng, các anh tôi tha hồ lấy nơm mà úp, trưa hôm ấy thế nào cũng có món cá rô chiên ăn với nước mắm tỏi ớt. Và ngôi nhà nên thơ mà gia đình tôi đã ở, vào mùa xuân chìm ngập trong vườn hoa đào, một loài hoa mà đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra tên đúng gốc Latin của nó, chỉ nghi ngờ nó thuộc họ đậu, hoa mọc từng chùm, có mùi hơi hăng nhưng nhìn xa rất đẹp và có màu hồng trắng xen kẽ, trông giống như hoa anh đào Nhật bản.  Cô bạn bảo rằng sau này người ta đã chặt hết vườn cây “anh đào” rồi và thay vào những loại cây ăn trái ( có ích hơn? ). Điều này làm chị em nhà tôi càng thêm luyến tiếc.
Chúng tôi đã nhắc lại nhiều kỷ niệm xưa, cô bạn còn nhớ nhiều hơn tôi, vì đã hơn 40 năm qua cô vẫn còn ở lại nơi chốn cũ, trong ngôi nhà xưa. Tôi kể cô bạn nghe lời một thầy giáo dạy văn học Việt nam trong một giờ giảng văn đã nói đến Huế:" Huế thơ, mộng và đẹp, nhưng Huế không thoát nổi những gì đã thuộc về tính cách của con người Việt nam. Đô thị vẫn luôn đậm nét nông thôn, nửa thành phố nửa thôn quê. Nhà nào cũng có vườn. Cuộc sống trì trệ. Con người chậm chạp. Điều đó đã xảy ra ở một thành phố đang trên đà phát triển vậy mà gần 3 thế kỷ nay dường như không có gì thay đổi. Nhưng có lẽ vì vậy, mà con gái Huế luôn .. thướt tha...". Chúng tôi cùng cười, vì không biết mình có còn "thướt tha" không khi cuộc sống  công nghiệp ngày nay buộc mình phải thay đổi.
Có lúc, trong những chiều mưa như thế này, tôi lại nhớ đến H., một cô bạn thuở nhỏ mà có lẽ tôi có phần may mắn hơn bạn vì cuộc sống của tôi diễn ra ở một môi trường khác, một hoàn cảnh khác. Còn H., cả cuộc đời bạn đã sống ở một thành phố đầy những hoài vọng về một chốn cung đình cổ kính và thành kiến khắc khe khó thể vượt nổi. Năm 1974, tôi về lại Huế xưa, khi đi thăm một vài người quen, bạn cũ trong đó có H. Hình ảnh tôi nhìn thấy hôm ấy và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi còn giữ được trong ký ức của mình về cô bạn thuở nào là nhìn thấy cô ngồi một mình, cô đơn trên những bậc thềm phủ đầy rêu phong trong căn nhà cổ. H đã không nhận ra tôi dù chỉ hơn mười năm không gặp. Trong khu vườn Huế đặc trưng, với những cây kiểng được chăm sóc kỹ lưỡng, những chậu quỳnh hương, hoa nhài tỏa hương thơm ngát, cô ngồi đó như một người không phải của thế giới mà cô đang sống, thật lặng lẽ và vô cảm đến nỗi tôi đã ngần ngại không dám đến gần vì sợ bạn xúc động. Lúc đó, có một cô bé gái, chạy loăng quăng trong vườn, tay xách một cái làn mây nhỏ đựng đầy hoa dại. Tôi đã sững sờ khi nhìn thấy con bé, nó chính là hình ảnh của bạn tôi lúc còn thơ mà tôi còn giữ trong ký ức ngày nào của mình, vẫn mái tóc đen cắt bom bê viền quanh khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt tròn như mắt chim non, thơ ngây và yếu đuối. Con bé chơi thẩn thơ một mình, lượn tới lượn lui giữa khu vườn, tung tăng một lát, nó chạy đến bên H., đặt bàn tay bé xíu lên chân H và gọi “Chị ơi!”. Nhưng H vẫn ngồi trơ trơ như một pho tượng, không đáp lại như chẳng hề nghe thấy. Tôi giật thót người,  phải chăng H đã mất trí?
Có ai đó đã kể lại câu chuyện đời H. Là tiểu thư của một gia đình tướng tá cao cấp ngày ấy, H và người lính hầu trong nhà đã thương yêu nhau. Con bé mà tôi nhìn thấy là kết quả của mối tình không môn đăng hộ đối ấy. Để sinh nó ra đời, cô và người lính đã trốn đi đến một tỉnh khác, sống trong một căn nhà chật hẹp nghèo nàn. Mẹ H đã đi tìm con, khi bà tìm ra, người lính đã quỳ xuống cầu xin bà tha thứ nhưng những giọt nước mắt của cả hai người đều không thể lay chuyển được định kiến. Người lính bị trừng phạt và mối tình phải cắt đứt. Đứa bé được đem về làm con nuôi của bà và người mẹ trở thành chị hai của nó. Đến bây giờ tôi vẫn thường day dứt tự hỏi không biết H và đứa con gái nhỏ ngày ấy nay đã trưởng thành bây giờ ra sao. Không biết H rồi có tỉnh lại sau giấc mơ tình đau khổ? Không biết cô bé kia có được gọi H bằng mẹ khi lớn lên? Và không biết, họ có thoát được khỏi những ràng buộc định kiến cũ xưa ấy? Hay rồi cũng chỉ dừng lại như đoạn kết đầy nước mắt của cô gái trong "Mưa trên cây sầu đông", là đau khổ từ chối mối tình đầu mà ở lại trong vườn nhà, chấp nhận cuộc sống tù hãm, một cuộc đời đã được định sẵn không thể thoát ra, phải theo phải sống như thế,vì nếu khác đi thì người thân còn lại sẽ chẳng thể sống nổi trước sự dè bỉu của dư luận. Ở Việt nam, tôi cho rằng có lẽ xứ Huế là nơi mà con người sợ dư luận hơn đâu hết.
Ngày ấy tôi thường theo mẹ đi lễ chùa. Trong trí tưởng của tôi, thành phố này có rất nhiều điều bí ẩn. Sau này lớn lên đọc sách tôi mới biết ở Huế là nơi có trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ, có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, chuông, khánh đồng, đá, cùng nhiều văn vật khác của Phật giáo từ các thời Lê, Trịnh, Nguyễn còn lại. Cũng đã có hơn hai trăm năm tồn tại Tổ đình Huyền Tôn được các chúa Nguyễn sắc tứ và đến nay hàng trăm ngôi chùa ở Huế vùng núi đồi mạn Nam sông Hương đều thuộc dòng kệ của sư tổ phái Thiền Lâm Tế Tử Dung-Liễu Quán. Có người lại nói rằng do ngày xưa các vua chúa triều Nguyễn đã có rất nhiều vợ và đông phi tần. Khi các ông vua qua đời, các bà hoàng phi, thê thiếp phải, hoặc tình nguyện xuống tóc đi tu, mỗi bà được xây cho một ngôi chùa, cái am, đó là lý do vì sao Huế là nơi có nhiều chùa chiền am tự nhất Việt Nam. Chị em chúng tôi từ lúc nhỏ cũng đã từng được làm lễ quy y bởi Hòa thượng Thích Đôn Hậu, một bậc cao tăng trụ trì tại chùa Thiên Mụ, ngôi chùa đẹp nhất và nổi tiếng nhất xứ Huế. Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam, đã bắt gặp ngọn đồi Hà Khê nhô lên bên dòng sông Hương nước trong xanh uốn khúc theo thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Dân địa phương lại kể rằng ban đêm thường có một bà lão xuất hiện nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”.. Chúa Nguyễn Hoàng nghe vậy lấy làm vui mừng, vào năm 1601 đã cho xây dựng chùa, đặt tên là “Thiên Mụ”.
Ngày ấy tôi cũng chứng kiến Huế có rất nhiều người điên. Anh học trò điên vì thi Tú tài hoài không đậu. Cô gái điên vì bị cấm cung suốt ngày ngồi trong phòng. Cô cứ lảm nhảm những điều vô cớ, ai hỏi đến thì cô nói là cô đang trò chuyện với người cô yêu, là Diêm vương! Cô bảo là cô đã có 2 con với Diêm vương nên mỗi ngày người nhà phải làm mâm cơm đem vào phòng với đầy đủ chén bát cho một gia đình. Người ta còn đồn khi đóng cửa lại, người nhà nghe tiếng trẻ con và tiếng cười đùa trong phòng. Tôi cũng nghe kể nhiều chuyện thần linh, ma quỷ. Có lẽ vì Huế có nhiều nơi xa xôi vắng vẻ, núi rừng bao la hoang vu và âm u quá?
Tôi cũng thường vào thành nội chơi. Ngày xưa nội thành là nơi chỉ dành cho vua quan sinh sống, làm việc, dân thường không được léo hánh đến. Từ cửa Ngọ Môn đi vào Điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng một thời các vua nhà Nguyễn khi lâm triều, đi qua những cửa ô sâu và tối, khi tôi cất tiếng gọi tên ai đó thì có tiếng vang trả lại, nghe rợn gáy! Tôi đã rất sợ lúc chiều đến đi qua các cửa thành âm u, kể cả lúc ngang qua “Cửu vị Thần công” là 9 "Ông” súng đại bác mà Vua Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây sơn đã cho đúc để làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Nghe rằng tuy mang tiếng “thần công” nhưng những cây súng này chỉ mang tính cách tượng trưng dùng để bảo vệ kinh thành như những vị thần linh, nhưng trong trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, những “ông súng” hẳn đã có một cuộc đời lừng lẫy như những chiến binh thực thụ. Và chao ơi sao mà xứ Huế đầy rẫy thần thoại và huyền bí đến thế.
Một trong những hình ảnh đẹp và thơ nhất của kinh thành Huế là những hồ sen. Ở đó, có Hồ Tịnh Tâm, vào mùa hạ tràn ngập hoa sen. Và hầu như có thể nhìn thấy sen khắp nơi. Mùa hè năm 1974 về Huế tôi  đến ở nhà một người bà con trong khu nội thành, cửa sổ phòng nhìn ra một hồ sen lớn. Buổi chiều sen chưa nở nhiều. Nhưng đêm ấy tôi đã được ngủ trong hương sen từ hồ thoảng vào tràn ngập và màu trăng vàng vọt len vào song cửa. Sáng thức dậy tôi như đang trong mơ khi  thấy sen đã tràn đầy ô cửa nhỏ,  cả một rừng sen nở rộ sau một đêm sương xuống nhiều. Những bông sen trắng tinh, điểm phơn phớt hồng trên đầu cánh, vươn lên từ đám bùn lầy thật kiêu hãnh và quý phái. Sương vẫn còn đọng long lanh trên những tàn lá rộng, đẹp như những hạt thủy tinh. Tôi chợt nhớ lại câu chuyện các vua chúa nhà Nguyễn thích uống trà sen và cách ướp trà thật cầu kỳ. Người ta đã bơi thuyền vào ao sen tìm cách bỏ vào mỗi búp sen một nhúm trà. Búp sen tẩm hương cho trà suốt đêm và buối sáng khi hoa sen nở, những người hầu đã lấy trà ra, đem phơi sương rồi pha với nước thật sôi dâng lên vua tách trà sen thơm nóng. Hứng thú quá, tôi đã rủ cậu em bà con chèo xuồng cho mình đi hái sen. Xuồng rẽ đám lá sen hơi khó khăn vì sen nở dày đặc cả hồ. Không quen ngồi xuồng, tôi bị lật nhào xuống ao khi vói hái một cành sen, ướt mèm nhưng vẫn cố tiếp tục đi hái những hoa sen to có gương sen lớn. Tôi bảo “Tối nay mình sẽ ăn chè hạt sen, ngồi bên ao sen, ngắm hoa sen, ngửi hương sen, nhấp chén trà sen… Thế mới là Huế!”.
Và có lẽ vì sống trong hoàn cảnh, môi trường, tâm tư ấy, người phụ nữ Huế muôn đời vẫn kín đáo, dịu dàng và luôn duyên dáng, chừng mực. Ai đi ngang qua trường Đồng Khánh ngày ấy lúc tan trường sẽ thấy những tà áo dài trắng thướt tha cùng mái tóc Huế dài muôn thuở. Chị bán bún bò, cô bán chè, bà lão bán hàng rong cùng khoác tấm áo dài cũ nâu. Màu "tím Huế” vẫn là màu chủ đạo trong y phục phụ nữ Huế. Cái gì cũng buồn buồn, nghiêm trang.
Rồi mưa vẫn giăng trên những nhánh cây sầu đông. Thành phố qua màn mưa thơ mộng, nhưng cũng rất buồn. Nó có thể là nỗi buồn tương tư, nỗi buồn về quá khứ, về những điều trì trệ khó thay đổi.
Những chuyến đò vẫn lặng lẽ đi qua sông Hương. Xa xa từ phía đồi Hà Khê, tiếng chuông chùa Thiên Mụ vẫn theo gió vọng về. Cầu Trường Tiền vẫn “sáu vài mười hai nhịp, thương nhau rồi xin kịp về mau”… Cồn Hến vẫn nổi tiếng với món cháo hến và chè bắp. Thôn Vỹ Dạ vẫn buồn buồn mời gọi “Sao anh không về thăm thôn Vỹ, Nhìn mấy hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc che ngang mặt chữ điền”… mà tôi thích nhất là bốn câu cuối “Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra, Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà”… Nàng thơ trong bài thơ của thi sĩ họ Hàn này là một cô giáo dạy nữ công lúc tôi còn học năm đệ thất ở Đồng Khánh. Dường như họ chưa hề gặp mặt nhau, nhưng bà đã yêu nhà thơ qua thơ và sống lặng lẽ như thế cho đến lúc mất …
Vậy đó, đã bao thế kỷ qua, dường như Huế vẫn không thay đổi, với cảnh vật đa tình, thơ mộng, với những mối tình thủy chung, những cơn mưa dai dẳng và những định kiến nghiệt ngã....
* NGUYỄN DIỆU TÂM


ÔNG LÃO LANG THANG VÀ 200 BÀI THƠ SEN

Con đường đi xuống Bình Dương thường làm cho tôi cảm thấy thú vị vì những hình ảnh nên thơ bất ngờ trên đường. Một chiếc xuồng lá neo bên sông chở đầy hoa cúc vàng chiều cuối năm. Dòng sông khi thủy triều xuống, nước cạn đến lòng đáy dãi đầm lầy mơ mơ màng màng.
Có khi là hình ảnh hàng hàng lớp lớp lục bình tím từ đâu trôi về ào ạt, đặc sệt và tím ngắt cả quãng sông. Có khi là cây gòn cổ thụ bên đường lá rụng cuối mùa, giăng đầy những trái gòn, bàng bạc những nhánh cây khô, và bên dưới gốc cây là những chậu hoa đỏ hoa vàng chờ bán Tết là điểm nhấn đẹp cho bức tranh đồng quê rất tự nhiên.
Có khi là chiếc xe bò cà rịch cà tang chở đầy tre tầm vông đi ngang qua. Có khi là tiếng vó ngựa buồn buồn gõ trên mặt đường buổi trưa hè đưa người đi chợ xa về. Có khi là những hàng cây bằng lăng nở hoa tím ngát. Có khi là khóm tre xao xác, tiếng chim sâu lích chích trong bụi dâm bụt, một chú bướm màu tím chập chờn như trong giấc mơ câu chuyện về Hồ điệp. Cuộc sống thật muôn màu…

Bên lề đường có ai đó đã hái những bông sen từ đầm sen dọc theo cánh đồng trải dài trên mặt đất. Tôi dừng xe lại, bước xuống nhặt một cành sen lên ngắm nghía và cố tìm người hái sen để hỏi mua nhưng không thấy ai. Chỉ nghe hàng tre xào xạc, tiếng con chim cu gáy đâu đó. Tôi nghĩ có lẽ là một người phụ nữ nào đó đang dầm mình dưới đầm sen. Và tôi ngồi chờ. Có tiếng vẹt đám lau sậy dưới đầm, tiếng chân dẫm thình thịch lên mặt đất giũ bớt sình. Tôi quay lại. Một ông lão đen đủi, gầy nhom, đánh trần và chỉ mặc chiếc quần cộc. Lão cười nhe hàm răng sún: “Mua sen đi cô” rồi liếng thoắng :”Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng, Nhụy vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…rồi “Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, Em được thì cho anh xin, Hay là em để làm tin trong nhà. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”… Mà cô có biết hoa sen dùng để cúng Phật không? Có biết hoa sen là hình ảnh được chạm khắc rất nhiều ở đền chùa không?” Rồi ông lại ngâm nga tiếp những bài thơ, ca dao về hoa sen, và khoe : “Tôi thuộc lòng tới hơn 200 bài thơ về hoa sen. Nhờ vậy mà tôi bán được sen dù chỉ đi vòng vòng trong làng”.. Hơi ngạc nhiên vì thấy ông lão thuộc nhiều bài thơ như vậy, tôi nghĩ bụng hôm khác sẽ nói chuyện nhiều hơn với ông và ghi chép lại hàng trăm bài thơ về hoa sen mà ông lão đã thuộc. Kho tàng văn hóa dân gian được phổ biến và lưu trữ trong tâm hồn, trí tuệ của dân gian từ những ông lão bình dị như thế đấy.
Tôi mua 20 cành sen, cột thành một bó bỏ trước giỏ xe, trả tiền rồi vội vã lên xe về thành phố vì sợ muộn. Chiều đã xuống. Mặt trời lặn gần xuống chân trời phía cánh đồng xa. Đàn chim sẻ vỗ cánh bay vút lên trời. Những con cò ăn đêm bắt đầu sục sạo trên đồng lúa. Con cò và hoa sen, vốn cũng là hình ảnh rất thân quen của đồng quê Việt Nam. Không lạ gì khi người nông dân mở mắt ra mỗi sáng đã thấy cánh đồng, lũy tre làng, cánh cò bay lả bay la và đầm sen nở rộ. Hèn chi mà các họa sĩ, nghệ nhân trong ngôi làng này nhắm mắt cũng vẽ được sen và cò, tre và cánh đồng, con trâu và mục đồng. Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ về ông lão, một người không thuộc giới “họa” nhưng chắc có khiếu về “thi”. Chắc hẳn ông đang sống trong một túp lều cỏ, nuôi một bà vợ già bệnh hoạn, hoặc sống cô độc tự nuôi thân mình bằng những bông sen mọc tự nhiên trong vô số đầm lầy quanh làng. Vậy mà ông vẫn vô tư, vẫn tự hào với kiến thức văn hóa dân gian của mình. Đọc thơ để bán hoa – quả thật là dễ thương.
Vài tuần sau, trong một lần lang thang tôi lại muốn tìm ông lão hái sen. Tôi cầm theo một chiếc áo dự định sẽ tặng cho ông. Đi qua đầm sen hôm nào tôi không nhìn thấy ông. Tôi lại nhớ đến nụ cười móm mém trên khuôn mặt đen đúa của ông lão, bàn tay gân guốc thoăn thoắt gộp những cành sen thành bó. Hỏi một vài người trong làng, họ bảo ông khùng, lúc ông ở chỗ này lúc ở chỗ kia, lúc nào cũng đọc thơ. Nghe nói ông cũng đã làm nhiều nghề để sống. Có lúc ông làm thợ cắt tóc. Đọc thơ để cắt tóc. Có lần ông say sưa đọc thơ, quên đi mình đã cạo trọc lóc đầu khách. Khách “yêu thơ” cũng say sưa nghe, không biết rằng đầu mình chẳng còn sợi tóc nào. Từ đó ông bỏ nghề cắt tóc.
Tôi về thử đi tìm trên mạng những bài ca dao về sen, không dễ chút nào để góp nhặt được hơn 20 bài, chứ đừng nói đến 200 bài.
Từ ca dao :
“Xuống đồng ngắt lá rau xanh,
Thấy chim loan phượng đỗ cành sen dâu.
Người ơi trở lại xơi trầu,
Tham nơi phú quý bỏ nhau sao đành.”

“Cổ tay em trắng như ngà,
Đôi mắt em liếc như là dao cau.
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.”

“Hoa sen mọc bãi cát lầm,
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.
Thài lài mọc ở ven sông,
Tuy rằng giống tốt vẫn tông thài lài.”

“Bấy lâu còn lạ chưa quen,
Hỏi hồ đã có hoa sen chưa hồ?
Hồ còn leo lẻo nước trong,
Bấy lâu chỉ dốc một lòng đợi sen!”

“Thân chị như cánh hoa sen,
Chúng em như bèo bọt chẳng chen được vào
Lạy trời cho cả mưa rào,
Cho sấm cho chớp, cho bão to gió lớn,
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên!”

“Sen xa hồ sen khô hồ cạn,
Lựu xa đào lựu ngả lựu nghiêng.
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,
Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.”

Tìm ca dao không thấy có nhiều ca dao về sen, nhưng thơ thì rất nhiều. Đầu tiên là bài thơ sen của Võ Quê :
“Bơi giữa mùa trăng em với sen,
Hương sen e ấp chút hương nguyền.
Lấp lánh trăng tình sen gợi nhớ
Sen hồng sen trắng … ấy sen duyên.”

Nguyên Sa :
“Vẫn biết lòng mình là hương cốm,
Chả biết tay ai làm lá sen.”

Tôi vẫn không nguôi ý định đi tìm ông lão lang thang người sở hữu 200 bài thơ sen, nhưng tôi không gặp lại ông nữa dù đã cố đi tìm. Tôi còn muốn mua 200 bài thơ về sen của ông, nhưng có lẽ ông đã không muốn bán!

* NGUYỄN DIỆU TÂM